Sông trở thành túi rác

Sông Cầu Hai bắt nguồn từ núi Bạch Mã, chảy qua địa bàn xã Lộc Trì và thị trấn Phú Lộc, xuôi ra phá Cầu Hai với chiều dài khoảng 4 km. Nhiều người lớn tuổi ở đây thừa nhận, sông Cầu Hai ngoài chức năng mang nguồn nước mát tưới tắm cho đồng quê, ruộng lúa, nó đã điểm thêm nét văn hóa, sinh hoạt phong phú của vùng đất trung tâm huyện Phú Lộc. Bây giờ nó đã mất nét thân quen hiền hòa như xưa. Đứng trên cầu QL1A đi qua nhìn xuống, dòng bị hẹp dần bởi cỏ, tre hai bờ xâm lấn, dòng nước đóng phèn đen ngòm. Từ điểm đầu cầu tại QL1A, chúng tôi thả bộ ra hướng phá Cầu Hai trên lối bê tông thuộc KV5 thị trấn Phú Lộc đã thấy hai bên có bờ kè lát đá tử tế. Nhìn xuống lòng sông với đoạn dài, trông như một ao tù chứa đầy rác thải. Rác đủ loại. Nào là túi ni lông, thùng xốp, phế phẩm nông sản, xác động vật chết nổi lềnh bềnh dày đặc bốc mùi tanh tưởi, hôi hám.
 

Lòng sông Cầu Hai nay vẫn "dùng dằng" không chảy vì rác thải

 
 
Bà Trần Thị Hảo, người dân sống ở KV5 thị trấn Phú Lộc bức xúc: “Hiện nay chính quyền địa phương vận động thu gom và đổ rác đúng điểm quy định, không ném xuống sông, nhưng không hiểu sao rác ở lòng sông Cầu Hai ngày càng nhiều. Bà con tui ở gần đây, những ngày hè nóng nực hôi quá, chịu hết nổi”. Theo lời bà Hảo, nước sông Cầu Hai hồi trước trong xanh lắm, ghe thuyền các nơi ra vào trao đổi hàng hóa từ chợ Cầu Hai qua các vùng bên kia phá Tam Giang; nhưng nay thì cảnh ấy không còn vì dòng sông ngày càng hẹp, chuôm, nè, cỏ, rác mọc tùm lum...
 
Nỗ lực cứu sông
 

Từ tháng 5 năm 2011, bằng sự hỗ trợ của tỉnh, huyện Phú Lộc đầu tư xây dựng công trình nạo vét sông Cầu Hai với kinh phí 19.789 triệu đồng; thời gian thực hiện 3 năm, trong hai giai đoạn. Mục đích công trình này khắc phục hậu quả lũ lụt, chống sạt lở đôi bờ sông và khơi thông dòng chảy để đảm bảo tiêu thoát lũ nhanh không gây ngập úng dài ngày, ngăn tiểu mãn lũ sớm cho xã Lộc Trì và thị trấn Phú Lộc; đồng thời cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường cảnh quan, từng bước nâng cao đời sống của người dân trong khu vực... Đến thời điểm này, dự án đã hoàn thiện giai đoạn 1, với kinh phí khoảng 10 tỷ đồng, như xây dựng kè cống, đường bê tông, bến nước của hai bên sông từ phía đầm Cầu Hai vào khu dân cư hai địa bàn thị trấn Phú Lộc và xã Lộc Trì với chiều khoảng 1,5 cây số.Khi chúng tôi đặt vấn đề vì sao con sông Cầu Hai trở nên nhuốm đen, dày đặc rác thải, anh Cái Minh, Chủ tịch UBND thị trấn Phú Lộc tỏ ra bức xúc, không vui. Anh Minh cho rằng, mấy năm trước, sông Cầu Hai được mệnh danh con sông rác như báo chí đã nói, chính quyền địa phương rất trăn trở làm sao để sông được đẹp, trong xanh trở lại. Anh Minh thông tin thêm, từ năm 2011, huyện đã triển khai một dự án, nạo vét làm kè, mái taluy với kinh phí đến gần 10 tỷ đồng. Thật đáng buồn khi dự án cơ bản hoàn thiện, dòng sông vẫn trong tình trạng đầy rác hôi hám.

 
Ngoài tuyên truyền vận động người dân, thị trấn Phú Lộc xây dựng các điểm tập kết rác thải quy định, thành lập tổ thu gom rác trong ngày và phối hợp với Công ty Môi trường đô thị Huế xử lý tại Nhà máy xử lý rác Lộc Thủy. Thực tế, dòng sông Cầu Hai là điểm chung, nằm giữa thị trấn Phú Lộc và xã Lộc Trì, nên chuyện giữ gìn môi trường cho sông cũng phải nỗ lực từ hai địa phương. “Chính cá nhân tôi đã bàn với lãnh đạo xã Lộc Trì cam kết làm sao để sông Cầu Hai đẹp và trong xanh trở lại”- anh Cái Minh nói.
 
Theo anh Cái Ngọc Như - Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Trì, hiện việc thu gom và việc xử lý rác thải ở địa phương đang bất cập. Lâu nay một số người dân vẫn chưa ý thức cao về việc giữ gìn môi trường sông Cầu Hai; nhất là một số hộ dân ở ven sông, đầm Cầu Hai thuộc thôn Đông Lưu, Đông Hải. Hiện nay, xã Lộc Trì đang làm điểm thành lập tổ thu gom và xây điểm tập kết rác ở thôn Đông Hải; đồng thời tập trung vận động tuyên truyền tạo cho họ quen dần việc thu gom, đổ rác đúng nơi quy định.
 
Câu chuyện sông Cầu Hai ô nhiễm vì rác không còn mới. Chúng tôi mong rằng, đã có quan tâm của tỉnh và nỗ lực của huyện Phú Lộc, đã đến lúc lãnh đạo chính quyền hai địa phương thị trấn Phú Lộc, Lộc Trì cần sớm vào cuộc bằng những việc làm thiết thực để đưa sông Cầu Hai trở lại trong xanh hiền hòa như trước.

Minh Thương