Hết thời... “xí phần”

Hiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang rà soát các dự án đã thu hồi giấy chứng nhận đầu tư để tham mưu tỉnh tiến hành thu hồi đất. Một trong năm dự án nằm trong diện thu hồi đất đợt này là Khu du lịch hồ Thủy Tiên do Công ty TNHH Haco Huế làm chủ đầu tư. Do hoạt động kém hiệu quả, Khu du lịch hồ Thủy Tiên đã ngừng hoạt động từ năm 2011, song trước đó một - hai năm khu du lịch này đã có dấu hiệu “chết lâm sàng”.

Cảnh quan thơ mộng của khu du lịch hồ Thủy Tiên hiện đã và đang tiếp tục thu hút các nhà đầu tư

Do trên đất còn nhiều hạng mục như thủy cung, cổng chính, quảng trường trung tâm, sân vườn… dù đã xuống cấp, hư hỏng, song vẫn là tài sản của doanh nghiệp nên tỉnh khó thu hồi khi chưa cân đối được kinh phí hoàn trả cho doanh nghiệp. Hiện khu vực này khá u ám, gây phản cảm, từng được báo chí phản ánh đã làm xấu hình ảnh du lịch và môi trường đầu tư ở Huế. Thế nên, quyết định thu hồi đất là giải pháp cần thiết phải thực thi nhằm làm cho môi trường đầu tư tốt hơn.

Nằm ngay cửa ngõ phía Bắc, vị trí khá thuận lợi, song dự án Trung tâm thương mại An Hòa (Huế) “án binh bất động” nhiều năm nay, là nỗi bức xúc của không ít cử tri khi đề cập đến công tác đầu tư trên địa bàn TP. Huế. Về nguyên tắc, sau khi có quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, tỉnh sẽ thu hồi đất để tránh chồng chéo khi thanh lý tài sản trên đất. Do đó, đợt này, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu tỉnh thu hồi đất để làm cơ sở kêu gọi nhà đầu tư khác có năng lực hơn.

Dự án Nhà máy xi măng Long Thọ II ở Hương Vân (Hương Trà) do Tổng công ty Sông Hồng làm chủ đầu tư. Sau sự kiện trao giấy chứng nhận đầu tư được tổ chức khá hoành tráng vào cuối năm 2010, gần như nhà đầu tư không có hoạt động đầu tư trên đất vài năm sau đó. Khu vực dự án chỉ là bãi cỏ rộng mênh mông với những bức tường rào đã cũ kỹ. Thế nhưng, giá trị thực hiện dự án được xác định khá lớn, khoảng gần 10 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, đo đạc lập bản đồ địa chính nên tỉnh khá khó khăn trong việc bố trí kinh phí để hoàn trả. Ngoài ra, còn hai dự án về khu du lịch sinh thái biển ở Chân Mây - Lăng Cô cũng bị thu hồi đất đợt này.

Chọn doanh nghiệp có tiềm lực

Qua trao đổi với một số cơ quan liên quan, lý do những dự án vừa nêu chậm thu hồi đất là do vướng kinh phí hoàn trả cho chủ đầu tư. Như dự án Nhà máy xi măng Long Thọ II, giá trị phải hoàn trả gần 10 tỷ đồng. Trong điều kiện hiện nay, tỉnh không thể dùng ngân sách để chi trả cho chủ đầu tư, trong khi việc kêu gọi nhà đầu tư mới chưa có. Đó là chưa nói đến việc thương lượng để nhà đầu tư mới chấp nhận bỏ kinh phí để hoàn trả cho nhà đầu tư cũ.

Sau một thời gian ngừng hoạt động, phía bên ngoài Trung tâm thương mại An Hòa khá nhếch nhác do người dân tận dụng làm nơi buôn bán

Hay như dự án Khu du lịch hồ Thủy Tiên, dù các hạng mục nhà đầu tư vẫn còn trên đất, song xét về công năng sử dụng và các giá trị của nó gần như không còn. Thế nhưng, việc thu hồi đất không dễ, vì theo nguyên tắc Nhà nước muốn thu hồi phải hoàn trả kinh phí đầu tư. Và như vừa nêu, do kinh phí từ ngân sách hạn hữu nên giải pháp vừa được đưa ra là đề nghị Cục Thuế tỉnh tiến hành xử phạt chậm nộp thuế để làm cơ sở thu hồi đất.

Các dự án khác cũng tương tự khi áp dụng những quy định trong Luật Đầu tư để có cơ sở thu hồi, kêu gọi nhà đầu tư mới. Song, việc này cũng cần được cân nhắc trong việc lựa chọn. Có ý kiến cho rằng, với các dự án đã thu hồi đất, nên giao cho nhà đầu tư có năng lực tài chính, uy tín trong đầu tư các dự án trong và ngoài nước. Điều đó là hẳn nhiên, song ở Huế, việc tìm kiếm nhà đầu tư như thế không dễ. Đó là chưa nói đến khoản kinh phí hoàn trả mà doanh nghiệp đến sau phải thực hiện khi đầu tư ở địa điểm đã thu hồi.

Với một số doanh nghiệp lớn, điều đó không là trở ngại, khi thực tế đã có doanh nghiệp chi trả khoản này cho doanh nghiệp trước và thậm chí là đề nghị trả mức cao nhất để nhanh chóng triển khai dự án. Thế nhưng, cũng có doanh nghiệp không đồng ý việc phải chi trả những hạng mục đã đầu tư nhưng hết hạn sử dụng, hư hỏng. Do đó, việc cân đối giữa chi trả, xác định giá trị tài sản… cũng cần được quan tâm để nhà đầu tư sau được hưởng những ưu đãi cần thiết.

Có thể nói, việc ưu đãi cho nhà đầu tư sau là tất yếu, song điều đó không có nghĩa là doanh nghiệp nào cũng được cấp chứng nhận đầu tư, đến khi làm ăn thua lỗ, tỉnh phải gánh chịu kinh phí đã đầu tư. Nếu thế, ngân sách sẽ không bao giờ đủ để hoàn trả. Do đó, giải pháp hiệu quả vẫn là bên cạnh kêu gọi cũng cần lựa chọn nhà đầu tư tiềm năng.

Thu hồi đất đã khó, kêu gọi được nhà đâu tư càng khó hơn

Việc thu hồi đất sau khi thu hồi giấy chứng nhận đầu tư là tất yếu, song điều này không dễ vì liên quan đến việc hoàn trả kinh phí đã đầu tư cho doanh nghiệp. Tuy thế, có một số doanh nghiệp dù không còn khả năng đầu tư song vẫn muốn chiếm đất, không muốn giao lại cho Nhà nước.

Để vận động, thuyết phục được doanh nghiệp giao lại dự án không phải ngày một, ngày hai. Công tác kêu gọi đầu tư cũng không dễ dàng, đó là chưa nói đến việc dự án mới phải đáp ứng các yêu cầu của tỉnh, như dự án Khu du lịch hồ Thủy Tiên dù đã có doanh nghiệp nghiên cứu song các phương án đưa ra chưa thuyết phục, UBND tỉnh yêu cầu khu vực này phải có khu vui chơi công cộng nhưng chưa có doanh nghiệp nào đáp ứng được yêu cầu này. Một số dự án khác cũng đang trong quá trình tìm kiếm, thương lượng với nhà đầu tư mới

Ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư

Bài, ảnh: LINH ĐAN