Tại Diễn đàn VDF 2016 với chủ đề "Chính phủ kiến tạo và hành động - động lực mới cho phát triển", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Việt Nam muốn lắng nghe các chuyên gia hàng đầu quốc tế có ý kiến thảo luận, đưa ra các khuyến nghị xoay quanh một số nội dung chủ yếu mà Chính phủ Việt Nam đang quan tâm, cần tham vấn.

Diễn đàn VDF 2016 với chủ đề "Chính phủ kiến tạo và hành động - động lực mới cho phát triển" đang diễn ra tại Hà Nội.

"Việt Nam hơn lúc nào hết cần những đánh giá của các chuyên gia về triển vọng kinh tế Việt Nam 2016 - 2020, những yếu tố tác động và những thách thức cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới. Định hướng và mục tiêu chiến lược về phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam hiện nay khá rõ, nhưng Việt Nam rất cần tham vấn các chuyên gia về các khuyến nghị giải pháp khả thi để hiện thực các mục tiêu đó, nhất là trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi và khó dự đoán", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Dũng, các tác động đa chiều của bối cảnh chính trị, kinh tế thế gới đối với nền kinh tế Việt Nam, nhất là các tác động của các Hiệp định thương mại song và đa phương và khả năng xảy ra đối với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một hiệp định quan trọng đối với tất cả các nước cùng tham gia.

Đặc biệt, Diễn đàn VDF 2016 diễn ra trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang đứng trước thách thức tăng trưởng giảm sút so với kỳ vọng và mục tiêu hàng năm. Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, tăng trưởng của Việt Nam năm 2017 có khả năng chỉ đạt 6 - 6,3%, thấp hơn so với mục tiêu 6,5% như mục tiêu đề ra. Trong khi đó, khu vực nông nghiệp, lâm thủy sản đang giảm tăng trưởng qua các quý trong năm do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và tác động môi trường do con người gây ra.

Năm 2016, vấn đề nợ công, thâm hụt ngân sách cũng được coi là điểm nóng của kinh tế vĩ mô khi Chính phủ có nhiều quyết sách giảm tỷ lệ nợ công, thắt chặt chi đầu tư công, chi thường xuyên tại các Bộ, địa phương bằng kỷ luật ngân sách.

Theo Bộ trưởng KH&ĐT, qua Diễn đàn VDF lần này, Chính phủ Việt Nam muốn lắng nghe và rất cần kinh nghiệm quốc tế về việc xử lý mối quan hệ giữa nợ công và tăng trưởng.

"Quan hệ giữa tăng trưởng và nợ công là quan hệ vừa thống nhất, vừa mâu thuẫn. Một quốc giá đang phát triển có nguồn lực hạn chế thì muốn tăng trưởng sẽ không tránh khỏi nợ công. Nhưng nếu quản lý nợ công không tốt, tỷ lệ nợ công cao sẽ không đủ nguồn lực dành cho tăng trưởng. Điều quan trọng là quản lý nợ công hiệu quả và mức độ nào là phù hợp. Việt Nam cần ý kiến của các chuyên gia để giúp giải tỏa được nút thắt này trong giai đoạn phát triển tới", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Theo đại diện của Ngân hàng Nhà nước, bước sang năm 2017, kinh tế Việt Nam vẫn còn có nhiều thách thức, khó khăn chờ đợi. Cuối năm 2016 đã liên tục xuất hiện những diễn biến khó lường gây áp lực đến công tác điều hành chính sách tiền tệ và quản lý hoạt động của các tổ chức tín dụng, trong đó xuất hiện cả những tin đồn thất thiệt, gây dụng ý xấu, gây tâm lý hoang mang, bất ổn kinh tế vĩ mô, xáo trộn thị trường vàng và ngoại tệ tại Việt Nam.

"Ngân hàng Nhà nước khẳng định với các nhà tài trợ, đối tác phát triển của Việt Nam, những thông tin thất thiệt, gây hoang mang dư luận thời gian qua là không chính xác và cần phải hết sức cảnh giác với những thông tai sai lệch. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt', bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định.

Theo Dân trí