Mưa gây ngập cục bộ tại TP. Huế

Bất kỳ quá trình phát triển và đô thị hóa nào cũng đưa đến những thách thức lớn, trong đó vấn đề thoát nước đô thị là một bài toán nan giải và đô thị Huế cũng không ngoại lệ.

Thành phố Huế có nhiều lợi thế bởi có nhiều sông, hồ, ruộng đồng khu vực ngoại vi, là một hệ thống thoát nước tự nhiên khá tốt, song với việc xây dựng nhà cửa, bê tông hóa mặt đường thì việc thoát nước theo hình thức thấm tự nhiên hoặc thoát ra sông, hồ càng trở nên khó khăn hơn, đòi hỏi hệ thống thoát nước phải được xây dựng kết nối đồng bộ, khoa học với quy mô lớn mới bảo đảm khả năng tiêu úng, thoát nước.

Khá nhiều người dân Huế hiện nay đang nhầm lẫn, dự án cải thiện môi trường nước thành phố đang triển khai xây dựng là hệ thống thoát nước của đô thị, sau khi xây dựng xong sẽ giúp thành phố thoát khỏi tình trạng ngập úng cục bộ như lâu nay. Thực chất, đây là hệ thống hoàn toàn khác với hệ thống thoát nước đô thị, mục đích của dự án này là thu gom và xử lý nước thải, không để ô nhiễm môi trường chứ không mấy liên quan đến hệ thống thoát nước mặt thành phố hiện hữu. Điều đó cho thấy, sau khi dự án cải thiện môi trường nước hoàn thành, bài toán xử lý nước thải sẽ giúp nhẹ gánh phần nào, nhất là khu vực phía Nam, tuy nhiên mối lo về ngập lụt thì vẫn còn nguyên. Để giải quyết được việc thoát nước, thành phố phải có kế hoạch dài hơi với tầm nhìn chiến lược, bởi đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước mặt có quy mô lớn lại phát huy hiệu quả trong bối cảnh đô thị hiện nay cũng phức tạp không kém xây dựng hệ thống xử lý nước thải. 

Trên thực tế, những năm gần đây, dù thành phố đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư kinh phí nạo vét sông Ngự Hà, chỉnh trang kênh, mương, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển. Hệ thống thoát nước cũ đang xuống cấp và lưu lượng thoát nước thấp khiến cho khi lũ lụt thì nước tràn vào rất nhanh nhưng thời gian rút nước lại chậm, kéo dài. Hậu quả là gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các công trình xây dựng, di tích và đời sống, sinh hoạt của người dân.

Quy hoạch hệ thống thoát nước mặt thành phố đã được tỉnh và thành phố quan tâm nghiên cứu xây dựng, Dự án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố do tổ chức Koika thực hiện cũng có hạng mục này. Tuy nhiên, để thực hiện theo đúng quy hoạch, thành phố cần có kế hoạch đầu tư nguồn lực để hiện thực hóa quy hoạch này. Việc hạn chế ngập lụt trên địa bàn thành phố có rất nhiều nguyên nhân mà tự thân thành phố chưa chắc có thể giải quyết được. Ở đây không chỉ nằm ở việc cải tạo hệ thống thoát nước cũ trong nội đô hiện hữu, nạo vét phục hồi hệ thống thủy đạo trong Kinh thành Huế, các ao hồ hiện có mà còn ở nhiều khía cạnh mang tính vỹ mô. Ví dụ như vấn đề quy trình điều tiết lũ ở khu vực thượng nguồn, hành lang thoát lũ ở khu vực ngoại ô thành phố, vấn đề cốt nền cho từng khu vực đô thị, hay bố trí và quy hoạch hợp lý, khoa học các khu đô thị mới để hạn chế tình trạng đô thị mới ở vùng ven ra đời ngăn cản quá trình thoát nước của đô thị.

Việc quy hoạch song song với đầu tư xây dựng các cống thoát nước với quy mô lớn ở nhiều khu vực là điều tất yếu và cần thiết được lên kế hoạch và phân kỳ đầu tư. Vấn đề khó khăn ở đây là cần có cơ chế chính sách tài chính ưu tiên cho dự án này, bao gồm cả chi phí duy tu, bảo dưỡng và xây dựng mới hệ thống thoát nước. Việc đầu tư một hệ thống như vậy cần tiếp cận nguồn vốn vay tương tự như dự án cải thiện môi trường nước thành phố đang triển khai. Việc cải tạo và xây dựng mới hệ thống thoát nước phải đảm bảo tính đồng bộ và phù hợp với quy hoạch của các ngành, các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị khác. Cũng cần xây dựng cơ chế quản lý, giám sát việc thực hiện các quy hoạch để nâng cao hiệu quả quản lý trong lĩnh vực này. Song song đó là nghiên cứu áp dụng mô hình hệ thống thoát nước mưa đô thị bền vững, kết hợp truyền thống, giữa xây dựng hệ thống thoát nước chảy theo độ dốc tự nhiên với việc điều tiết, thu gom, lưu trữ, sử dụng lại nước mưa dựa theo nguyên tắc bảo toàn vòng tuần hoàn nước, đảm bảo cân bằng sinh thái.

Thanh Quang