Trưởng đoàn đàm phán của ELN Pablo Beltrán trong cuộc họp báo tại La Habana, Cuba ngày 27/6/2007. (Nguồn: AFP/TTXVN)



Tại Nam Mỹ, các chuyên gia của Liên hợp quốc cùng đại diện Chính phủ Colombia bắt đầu tháp tùng thành viên FARC di chuyển tới hơn 20 điểm tập trung để giao nộp vũ khí trong vòng 150 ngày. 

Sau thời điểm này, các tay súng của FARC sẽ được phép tham gia thành lập một đảng chính trị, chấm dứt 52 năm nội chiến.

Cùng ngày, Tổng thống Santos bày tỏ tin tưởng Tòa án Tối cao Colombia sẽ cho phép Quốc hội được quyền thông qua “tắt” các điều khoản trong thỏa thuận hòa bình sửa đổi ký kết hôm 24/11 vừa qua, bao gồm việc khoan hồng cho những tay súng không phạm tội ác chiến tranh hay chống lại loài người. 

Dự kiến, ngày 12/12 tới, Tòa án Tối cao sẽ bỏ phiếu xem xét quyết định trên, mở đường cho việc luật hóa nhanh các điều khoản liên quan tới thỏa thuận hòa bình đã được Quốc hội thông qua ngày 1/12. 

Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, phe chống lại thỏa thuận hòa bình do cựu Tổng thống Alvaro Uribe​ dẫn đầu vẫn tiếp tục phản đối văn bản đạt được giữa Chính phủ và FARC, đặc biệt là việc các thủ lĩnh của FARC tham gia các cuộc bầu cử tới đây. 

Hôm 24/11, Tổng thống Santos và thủ lĩnh tối cao FARC Rodrigo Londono đã ký thỏa thuận hòa bình sửa đổi, thay thế cho thỏa thuận lần thứ nhất bị các cử tri nước này bác bỏ trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 2/10. 

Thỏa thuận hòa bình mới bao gồm 56 trong tổng số 57 điểm mà phe đối lập đề nghị. Khác với thỏa thuận đạt được hồi tháng 9, Tổng thống Santos quyết định văn bản lần này không phải thông qua trong một cuộc trưng cầu ý dân. 

Người dân Colombia cùng với cộng đồng quốc tế đều hy vọng rằng trong tương lai, quốc gia Nam Mỹ này sẽ được sống trong hòa bình sau hơn 5 thập kỷ nội chiến đẫm máu, khiến 260.000 người thiệt mạng, 60.000 người mất tích và 6,9 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn./.

Theo Vietnam+