Từ trái sang: Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak, Bộ trưởng Năng lượng Qatar kiêm Chủ tịch OPEC Mohammed bin Saleh al-Sada và Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih trong một cuộc họp báo hôm 10/12. Ảnh: Reuters |
Thỏa thuận nhằm cắt giảm sản lượng dầu và giảm bớt tình trạng dư thừa nguồn cung toàn cầu, sau hơn 2 năm giá dầu thấp gây áp lực lên nhiều ngân sách và thúc đẩy tình trạng bất ổn ở một số quốc gia.
Thỏa thuận cuối cùng cũng được ký sau gần 1 năm tranh cãi trong nội bộ OPEC và những hoài nghi về sự sẵn lòng của quốc gia không thuộc OPEC là Nga. Giờ đây, mục tiêu của thị trường sẽ chuyển sang việc tuân thủ thỏa thuận.
"Thỏa thuận này thắt chặt và chuẩn bị cho chúng ta sự hợp tác lâu dài", Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih nói với các phóng viên sau cuộc họp. Ông Al-Falih gọi đây là thỏa thuận "lịch sử".
Cũng trong cuộc họp báo này, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak nói rằng: "Thỏa thuận ngày hôm nay sẽ tăng tốc độ ổn định thị trường dầu mỏ, giảm biến động, thu hút đầu tư mới".
Hồi tuần trước, OPEC đồng ý cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng mỗi ngày từ ngày 1/1. Trong đó, nhà xuất khẩu hàng đầu Saudi Arabia sẽ cắt giảm 486.000 thùng dầu mỗi ngày. Ông Falih hôm 10/12 khẳng định, Riyadh có thể cắt giảm sâu hơn.
Trong thỏa thuận ngày 10/12, các nhà sản xuất không thuộc OPEC nhất trí giảm sản lượng 558.000 thùng dầu mỗi ngày. Trong đó, Nga sẽ cắt giảm 300.000 thùng dầu mỗi ngày, ông Novak cho hay. Sản lượng dầu của Nga sẽ giảm xuống còn 10.947 triệu thùng sau 6 tháng, Bộ trưởng Năng lượng Nga nói thêm.
Theo Gary Ross, người sáng lập công ty tư vấn Pira Energy, OPEC sẽ nhắm mục tiêu để giá dầu giữ mức 60 USD mỗi thùng.
Lê Thảo (Lược dịch từ Reuters & AP)