Người bệnh cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng theo tư vấn của bác sĩ và luyện tập đúng cách để nâng cao khả năng chống lạnh và ổn định huyết áp.
Thời tiết lạnh là yếu tố rất bất lợi đối với người mắc bệnh tăng huyết áp, vì nhiệt độ thấp khiến các mao mạch co lại, huyết áp đột ngột tăng cao, dễ gây các biến chứng, đặc biệt là tai biến mạch máu não, đột quỵ... Vậy người bệnh tăng huyết áp cần làm gì để bảo vệ sức khỏe của mình trong mùa đông?
Giữ ấm cơ thể
Khi thời tiết chuyển lạnh, bệnh nhân cần phải mặc ấm, nhất là giữ ấm đầu, cổ, bàn chân, hạn chế ra ngoài khi thời tiết quá lạnh. Mặc đủ ấm ngay cả khi ở nhà và khi ra ngoài. Dùng khẩu trang che mũi, miệng nếu phải đi ra ngoài trời có gió lạnh để tránh hít thở không khí lạnh. Tạo một môi trường ấm áp khi làm việc, tập luyện và nghỉ ngơi. Phòng ở phải đảm bảo thông thoáng nhưng ấm và tránh bị gió lùa. Có thể dùng điều hòa và sử dụng bóng điện đỏ cho ấm, không nên dùng bếp than tổ ong hoặc than củi để sưởi trong phòng kín dễ gây ngộ độc khí CO, rất nguy hiểm.
Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột, cơ thể không thích ứng kịp dẫn đến tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim... Nếu không có việc cần thiết, nên tránh đi ra ngoài trời lạnh, nhất là vào ban đêm. Nếu không có nhà vệ sinh trong nhà, nên dậy trước, mặc đủ ấm, mở cửa từ từ cho quen với nhiệt độ thấp bên ngoài sau đó mới ra.
Người bệnh không nên thức dậy quá sớm. Bởi sau một đêm nằm tĩnh trên giường, cơ thể thường kém đáp ứng với sự thay đổi bên ngoài, các mạch máu kém đàn hồi hơn và khí huyết lưu thông kém hơn. Nếu dậy quá sớm bước ra ngoài gặp cơn gió lạnh sáng sớm cũng có thể khiến huyết áp tăng cao. Và nhiều cơn đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim buổi sáng đã xảy ra ở những người cao tuổi, người có thói quen tập thể dục sáng sớm.
Chế độ ăn uống
Cần kiểm soát chế độ ăn, đặc biệt là cần ăn nhạt. Nên duy trì chế độ ăn nhạt 5-6g muối/ngày với người trưởng thành, người đã bị tăng huyết áp thì ăn càng nhạt càng tốt. Nên ăn những thực phẩm giàu dinh dưỡng như thịt nạc, gà, cá, sữa và chế phẩm từ đậu. Ăn nhiều rau xanh, quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt, ăn nhiều cam, quýt, bưởi dưa hấu là những thực phẩm giàu kali giúp lợi tiểu. Hạn chế thực phẩm chứa nhiều chất béo giàu cholesterol (các loại nội tạng: tim, gan, óc, thận). Những thực phẩm có nhiều muối như dưa muối, thực phẩm chế biến sẵn không phù hợp với người bệnh tăng huyết áp. Không ăn quá nhiều chất đường, béo... vì chất này sẽ khiến khả năng hấp thụ và trữ nước trong cơ thể tăng, làm cho dung lượng máu trong cơ thể tăng theo.
Không uống rượu, bia, cà phê, tuyệt đối không được hút thuốc lá. Rượu, bia tuy không phải là nguyên nhân gây tăng huyết áp nhưng lại là yếu tố nguy cơ hàng đầu trong việc khởi phát cơn tăng huyết áp cũng như các biến chứng do tăng huyết áp.
Tập luyện
Tập luyện đều đặn và phù hợp với sức khỏe là rất quan trọng đối với người bị tăng huyết áp, giúp nâng cao khả năng chống lạnh và ổn định huyết áp. Người bệnh nên chọn hình thức tập luyện nhẹ nhàng, vừa sức như đi bộ, tập dưỡng sinh, thái cực quyền và khí công... Khi tập thể dục cũng phải chọn chỗ kín gió, ấm áp. Khởi động kỹ trước khi tập luyện. Vẫn cần lưu ý là không nên ra ngoài tập thể dục vào sáng sớm, thay vào đó những khi thời tiết quá lạnh hay nhiều gió có thể tập thể dục nhẹ nhàng trong nhà.
Giữ tâm lý thoải mái
Bệnh nhân tăng huyết áp cần hết sức chú ý đến các trạng thái tình cảm xảy ra hàng ngày trong cuộc sống như lo lắng, căng thẳng, tức giận... dễ không kiểm soát được huyết áp. Do vậy cần giữ cân bằng tâm lý bằng cách sống thoải mái, thư giãn, tránh căng thẳng lo âu.
Tuân thủ đúng chỉ định điều trị
Người bệnh cần tuân thủ việc khám, điều trị và uống thuốc đều đặn theo đơn của bác sĩ để duy trì huyết áp ổn định. Không tự ý thay đổi thuốc, tự ý uống tăng liều thuốc hoặc uống các loại thuốc khác theo mách bảo. Tuyệt đối không tự bỏ thuốc khi huyết áp đã về trị số bình thường mà không có ý kiến của bác sĩ điều trị.
Trên thực tế, có nhiều người bệnh thường tự ý dừng uống thuốc khi đo huyết áp thấy ở mức bình thường, khi nào thấy huyết áp tăng cao thì lại uống. Điều này thực sự nguy hiểm vì huyết áp đã về bình thường là do tác dụng của thuốc, nếu dừng, nồng độ thuốc không còn nên chắc chắn huyết áp lại tăng cao. Hơn nữa, khi huyết áp tăng cao thường không có biểu hiện gì đặc biệt nên người bệnh khó nhận biết và đây là nguyên nhân dẫn đến biến chứng như xuất huyết não, thường để lại di chứng nặng nề./.
Theo VOV