Không như những câu chuyện thời chiến hàng chục năm trước chỉ được biết đến qua lời kể hoặc những dòng nhật ký ghi vội, giờ đây thông tin tại vùng chiến sự được cập nhật nhanh chưa từng thấy nhờ internet và truyền thông xã hội.
Biểu tượng mới ở Syria
Đó là những gì cô bé Bana al-Abed đang làm tại TP Aleppo, nơi đang diễn ra cuộc chiến ác liệt giữa phe nổi dậy và lực lượng chính phủ Syria. “Chào những người bạn của mình, các cậu có khỏe không? Mình khỏe. Mình cảm thấy khá hơn mà không cần dùng thuốc vì có quá nhiều vụ đánh bom. Mình nhớ các cậu” - bé Bana, 7 tuổi, chia sẻ trên mạng xã hội Twitter hôm 6/12.
Đó là thông điệp mới đây của cô bé hiện có hơn 200.000 người theo dõi trên mạng xã hội Twitter. Cô Fatemah, mẹ của bé Bana, đã tạo một tài khoản Twitter vào cuối tháng 9 và con gái cô nhanh chóng trở thành biểu tượng mới của những diễn biến khủng khiếp đang xảy ra ở Syria. Mạng xã hội Twitter là nơi Bana và gia đình chia sẻ về cuộc đấu tranh sinh tồn của họ tại nơi đang bị chiến tranh tàn phá nặng nề.
Dòng tin nhắn hôm 6/12 được đăng tải 2 ngày sau lời chia tay chỉ với 3 câu ngắn gọn của cô Fatemah: “Chúng tôi chắc rằng quân đội sẽ bắt được chúng tôi. Chúng ta sẽ gặp lại nhau vào một ngày nào đó, thế giới thân yêu. Tạm biệt”. Khi đó, cô Fatemah cho rằng quân đội Syria đang tiếp cận khu vực phiến quân kiểm soát, nơi căn nhà của gia đình cô bị bom đạn phá hủy hồi tuần trước buộc họ phải rời đi.
Theo tờ The Washington Post (Mỹ), bé Bana, được sự giúp đỡ của mẹ, thường xuyên lên Twitter chia sẻ nỗi sợ về các trận bom ban đêm, những hình ảnh các tòa nhà bị phá hủy và ghi lại những khoảnh khắc yên lặng bên cạnh người thân. Những người dùng mạng xã hội và truyền thông quốc tế nhanh chóng chú ý đến các thông điệp của bé Bana.
Dòng trạng thái hôm 4/10 được Bana chia sẻ: “Khu vườn của chúng tôi đã bị đánh bom. Tôi từng chơi ở đây nhưng bây giờ thì không còn nơi nào để vui đùa”. Một nội dung khác hôm 30/11 do mẹ Bana viết và gửi đến Tổng thống Mỹ Barack Obama: “Chúng tôi đang chịu đựng đau khổ cùng những gia đình khác ở khu vực phía Đông Aleppo. Có ai đó giúp chúng tôi rời xa vùng chiến sự không?”.
Bé Bana al-Abed chụp hình trong cảnh đổ nát tại TP Aleppo. Ảnh: NBC News
|
Công cụ tuyên truyền?
Hơn 70 năm sau khi Anne Frank, một thiếu nữ Hà Lan, viết nhật ký kể lại cuộc sống lẩn trốn của gia đình em khi Đức Quốc xã chiếm đóng nước mình, Bana trở thành “Anne Frank” trong chiến tranh Syria.
Câu chuyện của Anne Frank vẫn không được biết đến cho tới khi cuốn nhật ký của em được tìm thấy. Cô bé trở nên nổi tiếng sau khi qua đời ở tuổi 16, không thể nào biết được rằng hàng chục triệu người đã đọc nhật ký của mình.
Trong khi đó, Bana biết rõ có nhiều người lạ theo đọc những gì em viết trên Twitter. Chỉ là họ không rõ câu chuyện của Bana sẽ kết thúc thế nào.
Sức hút của tài khoản trên cũng dẫn đến những hoài nghi về tính xác thực của các thông tin đăng tải hoặc cáo buộc chúng sử dụng cho mục đích tuyên truyền hoặc chính trị nào đó. Một số phóng viên gần đây đã liên lạc được với gia đình Bana để tìm hiểu thêm. Hồi tháng 10, đài NBC (Mỹ) đã quay phim về họ ở Aleppo. Ngoài ra, hai mẹ con Bana cũng từng trò chuyện qua video với đài BBC.
Những gì được biết về Bana không nhiều. Theo lời kể, chiến tranh xảy ra buộc cô bé nghỉ học và em rất nhớ trường lớp. Bé gái 7 tuổi thích đọc sách, viết sách và ước mơ một ngày nào đó sẽ trở thành giáo viên như mẹ của mình. Thông qua Twitter, Bana quen biết và nhận được bộ truyện điện tử “Harry Potter” từ nhà văn J. K. Rowling.
Trong khi đó, Fatemah giới thiệu mình năm nay 26 tuổi, từng là giáo viên dạy tiếng Anh và hiện sống cùng 3 con - ngoài Bana còn có 2 bé 3 tuổi và 5 tuổi. Cô và con gái đăng tải thông điệp lên Twitter bằng cách sử dụng điện thoại di động, bộ sạc năng lượng mặt trời và kết nối internet chập chờn. Cô cũng khẳng định họ chỉ là một gia đình bình thường đang mắc kẹt ở Aleppo, không phải thành viên nhóm từ thiện hoặc tổ chức chính trị nào.
Những thông điệp của gia đình cô Fatemah sau đó được chia sẻ lại hàng ngàn lần. Những lời động viên, khích lệ, cầu nguyện họ bình an đến từ cư dân mạng khắp thế giới, như Pháp, Scotland, Mỹ, Úc, Peru. Dĩ nhiên là trong thời buổi thông tin thật giả lẫn lộn trên mạng như hiện nay, không phải ai cũng tin vào những gì được đăng tải trên tài khoản Twitter của Bana.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad gần đây nói với một nhà báo Đan Mạch rằng tài khoản này chỉ là “một trò chơi tuyên truyền”. Một số người khác nói hai mẹ con Bana chỉ là “sản phẩm” của Mỹ nhằm “nói xấu” chính phủ Syria và Nga.
Bana đang ở đâu? Những người quan tâm số phận bé Bana không khỏi lo lắng khi tài khoản của Bana đột ngột “biến mất” trên Twitter hôm 4/12 qua. Họ đăng thông điệp thắc mắc với hashtag #WhereIsBana (Bana đang ở đâu?). Tuy nhiên, một ngày sau đó, tài khoản của bé bất ngờ “tái xuất” với thông điệp bi quan rằng gia đình mình đang bị tấn công và họ không còn nơi nào để đi. |
Theo Người lao động