Các vật dụng dễ cháy để gần với thiết bị đấu nối điện có nguy cơ tiềm ẩn cháy
Phạt hơn 100 triệu đồng
Dịch vụ karaoke, phòng trà, quán bar là nơi tập trung đông người, sử dụng nhiều vật liệu dễ cháy như: vải, da, nỉ, thảm nilon, lớp cách âm bằng vật liệu dễ bắt cháy, sử dụng đèn Led làm bảng quảng cáo, biển hiệu. Có dịp ghé qua các “phố” karaoke tại kiệt 24 đường Lê Thánh Tôn, kiệt 81 Nguyễn Huệ hay kiệt 29 Lê Hồng Phong (TP. Huế) chúng tôi dễ dàng nhận thấy, nhiều quán karaoke được bố trí liền kề nhau, sử dụng các bảng hiệu, quảng cáo lớn với hiệu ứng đèn Led nhằm thu hút khách hàng… Theo một cán bộ cảnh sát PCCC, nhiều trang trí bằng tín hiệu đèn như trên không đúng quy định, tiềm ẩn nguy cơ cháy lan, cháy rộng và gây khó khăn trong công tác chữa cháy nếu chẳng may xảy ra cháy.
Mới đây, lực lượng liên ngành PCCC, công an và văn hóa phối hợp kiểm tra, chấn chỉnh cơ sở kinh doanh karaoke trên toàn tỉnh. Qua kiểm tra, đoàn liên ngành đánh giá phần lớn các cơ sở hoạt động kinh doanh đều chấp hành tốt công tác PCCC, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều lỗi vi phạm. Đáng chú ý, phần lớn các cơ sở sử dụng nhiều thiết bị tiêu thụ điện, thế nhưng chủ cơ sở tự ý câu móc, đấu mối các thiết bị tiêu thụ điện cẩu thả, dây dẫn điện không lắp đặt âm tường, không bọc nhựa cách điện gây tình trạng quá tải nguồn điện dẫn đến nguy cơ chập điện gây cháy. Cùng với đó, việc trang bị đèn dẫn tín hiệu đến lối thoát hiểm (Exit), đèn chiếu sáng sự cố, bình chữa cháy còn thiếu hoặc đã hư hỏng; có cơ sở xây dựng trên diện tích mặt bằng chật hẹp, lối thoát nạn không đủ số lượng; bảo hiểm bắt buộc cháy, nổ chưa được chủ cơ sở quan tâm. Một vi phạm đáng quan ngại nữa là chủ cơ sở và nhân viên chưa được tập huấn nghiệp vụ PCCC. Đoàn kiểm tra liên ngành đã xử lý 12 cơ sở vi phạm quy định về an toàn PCCC với tổng số tiền xử phạt hơn 100 triệu đồng.
Tăng cường đồng bộ các giải pháp
Ông Nguyễn Văn Hà, Chánh Thanh tra Sở Văn hóa- Thể thao cho biết, toàn tỉnh hiện có trên 300 cơ sở kinh doanh karaoke. năm 2016, thanh tra sở đã phối hợp các ngành chức năng kiểm tra, phát hiện 7 cơ sở vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 45 triệu đồng. Các cơ sở này vi phạm quy định về biển hiệu; số phòng vượt quá phạm vi cho phép; không đảm bảo thiết kế theo quy định… Trước sự không đồng nhất trong việc cấp các giấy chứng nhận đủ điều kiện và giấy phép kinh doanh karaoke, ông Nguyễn Văn Hà cho biết, ngành văn hóa đề xuất khi cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ karaoke cần yêu cầu chủ cơ sở phải có đủ giấy chứng nhận về an ninh trật tự và PCCC. Nếu cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ karaoke trước sẽ tạo ra bất cập về công tác PCCC và đảm bảo an ninh trật tự. Thiết kế lắp đặt biển quảng cáo phải đảm bảo các yêu cầu vật tư, chiếu sáng, quy chuẩn xây dựng biển ngoài trời không che kín cả nhà lấp lối thoát nạn, ban công.
Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh cho biết, thời gian tới, để tiếp tục chấn chỉnh công tác PCCC và CHCN tại các cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, phòng trà, lực lượng cảnh sát PCCC tỉnh tiếp tục phối hợp cơ quan chức năng kiểm tra cấp phép loại hình hoạt động có điều kiện ngay từ khi mới xây dựng công trình. Riêng các cơ sở đã và đang hoạt động, cảnh sát PCCC yêu cầu cơ sở thực hiện đúng Thông tư 47 của Bộ Công an hướng dẫn đảm bảo an toàn PCCC đối với các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường. Các cơ sở bắt buộc phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện về PCCC; kiên quyết đình chỉ các cơ sở kinh doanh không phép hoặc không đủ điều kiện. Cảnh sát PCCC phối hợp với chính quyền địa phương mở lớp tập huấn nghiệp vụ PCCC cho các chủ cơ sở và nhân viên; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm quy định an toàn PCCC, nhất là trường hợp cơ sở sử dụng biển hiệu, bảng quảng cáo không đúng quy định về Luật Quảng cáo năm 2015 làm ảnh hưởng đến lối thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Hướng dẫn phòng vệ bản thân khi có cháy Theo thượng tá Nguyễn Văn Hải, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy Cảnh sát PCCC tỉnh, khi có cháy xảy ra, người trong khu vực cháy cần bình tĩnh suy xét, áp dụng ngay biện pháp tránh khói, khí độc. Nếu có điện thoại, gọi ngay 114 hoặc người thân thông báo chỗ bạn bị kẹt. Sử dụng phương tiện sẵn có dập cháy, nếu không được hãy tìm cách thoát ra ngoài qua các lối thoát nạn thông thường, cầu thang bộ- nơi có chữ EXIT là lối thoát an toàn nhất. Trước khi mở cửa hãy kiểm tra nhiệt độ bằng cách huơ lòng bàn tay lên bề mặt cửa hoặc tay nắm. Nếu thấy an toàn thì mở cửa và tránh mặt sang một bên đề phòng lửa tạt. Nếu nhiệt độ quá cao, tuyệt đối không được mở. Nếu không thể ra ngoài bằng cửa chính- hãy đóng nó lại. Thấy khói lùa vào phòng qua khe cửa, dùng giẻ, vải nhúng nước che lại. Bởi bạn có nguy cơ chết vì khói độc trước khi bị lửa thiêu đốt. Cần di chuyển sang phòng khác hoặc ra ban- công, cửa sổ gọi to và dùng quần áo màu sáng vẫy ra hiệu người ở dưới. Nếu có dây cứu nạn hay thang dây thì dùng nó để thoát; nếu không có, có thể sử dụng các dây đủ chắc chắn có trong phòng để tụt xuống. Đôi khi tấm rèm vải hoặc quần áo buộc lại cũng là sợi dây cứu mình lý tưởng. Hãy mặc nhiều áo, quấn nhiều giẻ vào tay trước khi tụt xuống. Nếu phải băng qua lửa, hãy làm ướt quần áo, dùng chăn, áo chất liệu cotton nhúng nước trùm lên đầu. Nếu di chuyển trong phòng có nhiều khói, hãy bò hoặc đi khom người, vì nồng độ oxy ở phía dưới cao hơn. Tuyệt đối không được nhảy xuống, trừ khi có đệm không khí của lực lượng PCCC, cứu nạn cứu hộ phía dưới. |
THÁI BÌNH