Chăm sóc cá lồng

Ông Võ Thanh ở thôn Hải Thế, xã Phong Hải (Phong Điền) chia sẻ: “Sau khi công bố môi trường biển đã an toàn cho nuôi trồng thủy sản, tôi cùng nhiều hộ ở địa phương tiến hành thả nuôi vụ mới. Đến nay, tôm nuôi đã hơn một tháng tuổi, đang phát triển tốt. Với tốc độ sinh trưởng như hiện nay, chỉ khoảng hai tháng đến hai tháng rưỡi nữa, tôm sẽ cho thu hoạch, kịp cung cấp cho thị trường tết”.

Ông Trương Công Lợi ở thôn Hải Nhuận, xã Phong Hải cũng đang tất bật cho vụ nuôi tôm mới. Hộ ông Lợi có 3 hồ, nhưng thời gian qua do thời tiết phức tạp, dịch bệnh, sự cố môi trường biển nên đều bỏ hoang. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, ông Lợi cũng như bà con địa phương bắt đầu thả nuôi đại trà để cung ứng nhu cầu tiêu thụ trong dịp tết sắp đến.

Theo kinh nghiệm của người dân, nuôi tôm trên cát ven biển mỗi năm hai vụ, nhưng thời điểm này mới là vụ chính. Vụ đầu từ tháng 2 đến tháng 7 thường gặp thời tiết bất lợi, nắng nóng nên tôm xảy ra dịch bệnh, chết, năng suất thấp.  Vụ nuôi tôm thứ hai trong năm thường gặp thời tiết thuận lợi, nhiệt độ ổn định, nguồn nước trong hồ luôn mát nên kích thích tôm phát triển nhanh. Khi tôm khỏe mạnh sẽ ít xảy ra dịch bệnh, năng suất đạt cao, bình quân trên dưới 10 tấn/ha. Thị trường tết thường tiêu thụ mạnh, giá cả ổn định, hoặc cao hơn vụ đầu. Nếu như giá tôm vụ trước dao động từ 90-110 ngàn đồng/kg, thì vụ chính từ 150-170 ngàn đồng/kg.

Chủ tịch UBND xã Phong Hải Phan Khánh cho biết, diện tích ao hồ nuôi tôm toàn xã khoảng 67 ha, của 92 nhóm hộ nuôi. Tính đến ngày 5/12, phần lớn ao hồ đều đã thả nuôi, nhiều hồ tôm đã hơn một tháng tuổi. Qua theo dõi, giám sát của cán bộ khuyến nông và người dân, tôm đang phát triển tốt. Tận dụng thời tiết, môi trường, cũng như thị trường tiêu thụ thuận lợi, chính quyền địa phương đang vận động, khuyến khích người dân tiếp tục thả nuôi số diện tích còn lại, khoảng 10 ha.

Chăm sóc tôm nuôi

Ông Nguyễn Đăng Phúc, Chủ tịch UBND xã Điền Hòa (Phong Điền) thông tin, sau khi nhận được tiền bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển, các hộ nuôi tôm có điều kiện về vốn, bắt đầu thả nuôi vụ mới. Xác định đây là vụ chính nên người dân địa phương khá yên tâm, thả nuôi gần hết diện tích khoảng 20 ha. Theo khuyến cáo, hướng dẫn của ngành nông nghiệp, địa phương đang vận động người dân thả nuôi hết diện tích trên địa bàn để phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong dịp tết.

Các địa phương đầm phá, ven biển cũng đang tập trung chăm sóc cá nuôi, phục vụ nhu cầu thị trường tết. Ông Nguyễn Văn Đương ở thôn Minh Hải, thị trấn Thuận An (Phú Vang) cho biết, hộ ông nuôi 4 lồng cá chẽm, hồng mỹ, chia làm hai lứa, lứa đầu thả nuôi từ tháng 1 (AL), đến tháng 7-8 (AL) thì xuất bán; lứa thứ hai thả giống vào khoảng tháng 3 để bán trong dịp tết.

Trên địa bàn tỉnh hiện có hàng ngàn lồng cá nuôi, gồm chẽm, mú, hồng, hồng mỹ, đối mục… tập trung ở vùng đầm phá, ven biển các huyện: Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và hai xã Hương Phong, Hải Dương (TX. Hương Trà). ông Nguyễn Văn Thông, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lộc cho biết, các loại cá nuôi lồng trên địa bàn đều từ 7-8 tháng tuổi, người dân đang tiến hành thu hoạch, một số cá còn nhỏ thì giữ lại để bán vào dịp tết. Giá sản phẩm trong thời điểm tết thường cao gấp rưỡi, gấp đôi so với ngày thường.

Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh thông tin, qua kiểm tra, giám sát tại các địa phương, hiện nay tôm nuôi trên cát ven biển, cũng như cá lồng đang phát triển tốt. Nhờ công tác bảo vệ, giằng neo an toàn, người dân chủ động ứng phó nên cá nuôi không bị thiệt hại do mưa lũ trong những ngày vừa qua. Diện tích nuôi tôm trên cát của các hộ dân có trên 100 ha và nhiều diện tích nuôi xen ghép. chi cục phối hợp với các địa phương, thường xuyên theo dõi, hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc, đảm bảo an toàn, phấn đấu đạt năng suất cao để phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong dịp tết sắp đến.

Bài, ảnh: Hoàng Triều