Bộ LĐ-TB và XH đang dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động. Nội dung được dư luận quan tâm và còn ý kiến khác nhau là về vấn đề kéo dài tuổi nghỉ hưu hay để như hiện tại.

Chính vì thế, dự thảo Luật hiện đang thể hiện 2 phương án tại Điều 187 để xin ý kiến.

Phương án 1: giữ như hiện hành nam là 60 tuổi và nữ là 55 tuổi.

Phương án 2: tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 và nữ lên 58, tăng theo lộ trình mỗi năm tăng 3 tháng để đảm bảo việc tăng tuổi nghỉ hưu được vận hành "mượt mà", không gây xáo trộn mạnh đến việc bố trí và sử dụng lao động.

Tăng tuổi nghỉ hưu có tước cơ hội của người trẻ?

Sở dĩ, phương án tăng tuổi nghỉ hưu vấp phải nhiều phản đối vì ai cũng thấy việc nghỉ hưu ở độ tuổi như hiện tại là hợp lý. Một lý do quan trọng hơn là đội ngũ những người hưởng lương từ ngân sách hiện quá lớn; bộ máy hành chính quá cồng kềnh, không hiệu quả. Thêm vào đó, việc quản lý quỹ BHXH còn nhiều bất cập, thất thoát… nên nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu mà không tính toán đến việc “xốc” lại những yếu kém đang tồn tại thì cũng chỉ làm mọi vấn đề trở nên rắc rối, trầm trọng hơn.

Vì lực lượng hưởng lương từ ngân sách quá lớn, bộ máy hanh chính quá cồng kềnh nên chúng ta phải tiến hành tinh giản biên chế. Thế nhưng đã nhiều năm thực hiện công cuộc tinh giản nhưng gần như “dậm chân tại chỗ”, chẳng giảm được ai, thậm chí càng giảm lại càng phình to.

Nói về nguồn nhân lực, đã là công chức, viên chức, khi được tuyển dụng phải đáp ứng rất nhiều loại bằng cấp, chứng chỉ. Điều kiện tiên quyết là phải tốt nghiệp đại học, cao đẳng hệ chính qui... Vì sao lại có quá nhiều cán bộ, công chức, viên chức năng lực yếu kém “lọt” được qua lưới sàng lọc vô cùng khắt khe của khâu tuyển dụng? Đó là do quan hệ quen biết, thân hữu mà ra.

Điều đáng nói là các ứng viên đều có bằng cấp đáp ứng các yêu cầu của cơ quan, đơn vị tuyển dụng. Tiếc rằng, bằng cấp ấy đâu phải do học tập, trau dồi kiến thức mà phần nhiều do mua bán, chạy chọt mà có.  Thế nên chất lượng đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ hiện nay mới bị chính các cơ quan tuyển dụng “kêu như vạc”. Và thế cũng mới có chuyện cử nhân, thạc sĩ ra trường thất nghiệp hàng loạt.

Với chất lượng đào tạo “học để có bằng”, với cách tuyển dụng “nhất quan hệ, nhì tiền tệ” thì chất xám không bao giờ “chảy” vào khu vực nhà nước. Nếu có vào được thì sau một thời gian, lực lượng hùng hậu những người kém cỏi sẽ xúm vào trù úm, ganh ghét…khiến họ buộc phải bỏ đi làm cho khối nước ngoài hoặc tư nhân chứ khó trụ được trong cơ quan nhà nước.

Nếu tăng tuổi nghỉ hưu là một xu thế khó cưỡng đối với tình hình dân số, kinh tế-xã hội của đất nước thì phải đi kèm với nó những điều kiện cụ thể và cần phải được chấp hành nghiêm túc. Đơn cử, sau khi cán bộ đến 55 tuổi đối với nữ, 60 tuổi đối với nam thì thôi giữ chức vụ quản lý; chỉ kéo dài tuổi nghỉ hưu với những nhóm đối tượng cụ thể và có tiêu chí, yêu cầu rõ ràng… Cách làm phải tránh được tình trạng “tham quyền cố vị”, tước mất cơ hội và sức sáng tạo của thế hệ trẻ.

Như hiện nay, khi đưa đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, nhiều người có suy nghĩ đó chỉ là mong muốn của một nhóm người, đặc biệt là những người có vị trí lãnh đạo. Còn đa phần người lao động muốn nghỉ hưu đúng tuổi như hiện nay.

Với chất lượng nguồn nhân lực hiện tại, quá nhiều người làm việc không hiệu quả mà lại mong muốn tăng tuổi nghỉ hưu sẽ đồng nghĩa với việc kéo dài thêm sự trì trệ?

Theo VOV