Khắc phục sạt lở bở biền Lăng Cô (huyện Phú Lộc)

Thời tiết diễn biến phức tạp thời gian qua làm 14,3km đê sông, biển trên địa bàn tỉnh bị hư hỏng, xuống cấp. Tuyến đê Tây phá Tam Giang đoạn qua xã Hải Dương (Hương Trà) bị sạt lở với chiều dài 2,5km; đoạn qua xã Điền Hòa, Điền Hải (Phong Điền) với chiều dài 2,5km. Tuyến đê Đông phá Cầu Hai đoạn qua địa bàn các xã Vinh Hưng, Vinh Giang, Vinh Hiền (Phú Lộc) bị xói lở với chiều dài 1,5km. Trong đó, một số đoạn bị xói lở ăn sâu 0,7m và mặt đê bằng bê tông bị xói sâu 0,3m. Tuyến đê Tây phá Cầu Hai đoạn qua xã Vinh Hà (Phú Vang), bị sạt lở với chiều dài 3,8km, xói trôi cục bộ bê tông mặt đê và tường chắn sóng mái đê với hơn 50 vị trí; đoạn qua xã Lộc An, Lộc Điền (Phú Lộc) bị sạt lở với chiều dài 1,5km gây xói trôi cục bộ bê tông mặt đê và mái đê với hơn 60 vị trí.

Mưa lũ cũng làm tuyến kè sông Hương, sông Bồ bị sạt lở, hư hỏng trên chiều dài 1,5km. Nặng nhất là tuyến kè sông Bồ đi qua các địa phương Phong An, Phong Sơn (Phong Điền), Quảng Phú, Quảng Thọ (Quảng Điền); kè sông Hương qua các địa phương Hương Thọ (Hương Trà), Thủy Bằng (Hương Thủy) với hàng trăm mét phần chân, mái đê bị sụp đổ, ảnh hưởng giao thông cùng nhiều diện tích đất nông nghiệp của các hộ dân.

Lực lượng chức năng dùng các vật liệu, khắc phục điểm sạt lở biển tại huyện Phú Lộc

Mưa lũ cũng làm gần 200km hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng bị sạt, bồi lấp, xuống cấp và 35 cống, đập dâng trên toàn tỉnh bị hư hỏng, bồi lắng với hơn 1.010m3 đất, đá.

Thiếu máy đo gió

UBND tỉnh đã đề nghị Bộ Công thương, Bộ TN&MT quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống cảnh báo sớm cho các địa phương vùng hạ du khi điều tiết lũ. Đầu tư 3 hệ thống máy đo gió (đặt tại các địa phương như Phú Vang, Phú Lộc và TP. Huế) vì hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ có máy đo gió đặt tại Thủy Bằng, nằm sâu trong đất liền nên chưa phản ánh được cấp độ gió.

Tại huyện miền núi A Lưới, khoảng 70% các công trình thủy lợi vừa và nhỏ bị xuống cấp, hư hỏng. Qua mỗi mùa mưa lũ, dù các địa phương tích cực huy động nhân công, đầu tư kinh phí sửa chữa nhưng do làm theo kiểu “chắp vá” nên hiệu quả không cao. Cụ thể, tại công trình thủy lợi Kim Sơn (xã Hồng Kim), do địa hình dốc, nước chảy xiết đã làm nhiều rọ thép bị bung; đập thủy lợi A Bã, xã Hương Nguyên trôi 50m ống PCV; đập Cần Đôm C bị vỡ ống 11m…

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có khoảng 2.700 ha đất liền bị biển xâm thực, nhiều địa phương bị biển “ăn” sâu vào cả trăm mét. Sạt lở ven biển, bờ sông diễn ra nhiều nơi nhưng hiện nay, việc đầu tư sửa chữa, nâng cấp và xây mới nhiều tuyến đê, kè đang gặp khó khăn về nguồn vốn. Từ nhiều nguồn vốn khác nhau, trên địa bàn tỉnh mới đầu tư xây dựng kè biển như ở Hải Dương, Quảng Công, Phú Thuận; một số điểm kè trên sông Hương, sông Bồ. Riêng tuyến đê Tây phá Cầu Hai đoạn qua xã Vinh Hà xuống cấp đã nhiều năm nay, có nguy cơ xâm nhập mặn với diện tích khoảng 450 ha lúa một vụ của vùng Bàu Ô (xã Vinh Hà). Hàng năm, Chi cục Thủy lợi tỉnh bằng nhiều nguồn vốn đã duy tu sửa chữa đảm bảo nhiệm vụ ngăn mặn giữ ngọt, bảo vệ diện tích lúa đang sản xuất nên hiện nay, tuyến đê này đã lập dự án, khảo sát trong chương trình nâng cấp đê biển và sẽ có kế hoạch đầu tư trong các năm đến.

Ông Hùng cho biết thêm, đã kiến nghị UBND tỉnh trình Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ kinh phí (170 tỷ đồng) để khắc phục hạ tầng, trong đó có xử lý khẩn cấp tình trạng sạt lở bờ sông Hương, sông Bồ và sạt lở bờ biển ở các địa phương; quan tâm nghiên cứu đầu tư xây dựng hệ thống cống tiêu nhằm thoát lũ nhanh, hạn chế ngập úng. “Trong điều kiện thiên tai và biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, ngân sách địa phương còn khó khăn, về lâu dài, UBND tỉnh đã đề nghị Bộ NN&PTNT đề xuất Chính phủ tiếp tục đầu tư các chương trình nâng cấp đê biển; chương trình đảm bảo an toàn hồ chứa”, ông Hùng khẳng định.

Hà Nguyên