Một nhóm bạn trẻ hoạt động trong ngành du lịch nhặt rác tại các điểm công cộng

Một hôm đang ngồi ăn sáng ở quán bún trên đường Nguyễn Huệ (TP. Huế), nhìn thấy một bạn trẻ vào mua phần bún về nhà. Ngoài túi nilông đựng bún còn có túi nilông đựng rau sống, túi đựng chua ngọt, ớt chanh. Chưa hết, ở ngoài cùng còn thêm một túi nilông lớn để đựng tất cả các thứ đó vào cho gọn. Biết là gọn nhưng cái gì cũng đụng đến túi nilông. Hỏi chị chủ quán, chị đáp nhanh: “Cái chi ra cái nấy cho tiện anh ơi”. 

Cách đây khá lâu, tôi nhớ phong trào tuyên truyền không sử dụng túi nilông được tổ chức rộng khắp, từ từng quán ăn, nhà hàng đến mỗi gia đình. Nhìn các bà, các mẹ tay xách giỏ nhựa hay túi vải lòng thấy vui chi lạ. Đơn giản rằng, nếu ai cũng như vậy thì môi trường sẽ sạch, giúp con người hạn chế bị nhiễm độc. Chẳng lẽ bây giờ phong trào đó không còn, và ai còn nhớ, ai đã quên? Trách chị bán quán bún cũng không phải, bây giờ đi đâu cũng thấy người ta sử dụng túi nilông. Mua một món hàng gì đó nặng là xin nhiều túi nilông… bởi lẽ sợ toạc giữa đường. Rồi cứ thế, về đến nhà thì những túi nilông sẽ không còn ai quan tâm.

Tác hại túi nilông ai ai cũng rõ, không phải là chuyện mới và khó hiểu. Ở môi trường tự nhiên, túi nilông gây ô nhiễm nghiêm trọng bởi thời gian phân hủy rất lâu. Với con người, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, nhất là các loại túi dùng hóa chất độc hại. Có lẽ, người sử dụng chỉ quan tâm đến cái lợi trước mắt, mà quên đi lợi ích lâu dài.

Có vô số chiến dịch truyền thông, tuyên truyền đã thực hiện, nhiều giải pháp được cơ quan chức năng đề ra, như thu thuế với túi nilông không thân thiện với môi trường, giảm giá thành để khuyến khích sử dụng các loại túi nilông dễ phân hủy, túi sử dụng nhiều lần... và đương nhiên, những việc làm đó cũng khá tốn kém. Tại sao túi nilông vẫn tồn tại, nếu không nói quá thì tồn tại một cách dày đặc, khắp nơi? Câu hỏi này xin gửi đến các ngành chức năng liên quan, rằng việc tuyên truyền đã mang lại hiệu quả thực sự hay chưa? hay chỉ là “đến hẹn lại lên”?

Nói đi cũng phải nói lại, điều quan trọng nhất để xây dựng xã hội văn minh, một môi trường sạch đẹp vẫn chính là sự nhận thức của mỗi người. Đó là cách chúng ta bảo vệ chính môi trường sống của chính mình.

NHẬT MINH