Nghệ sĩ Phan Lê Chung hoàn tất các tác phẩm tại studio của mình ở Koganecho, Yokohama, Nhật Bản. Ảnh: Masanobu Nishino

Nằm trong chuỗi hoạt động sáng tác hỗ trợ nghệ sĩ trẻ châu Á, dưới sự tài trợ của quỹ văn hóa nghệ thuật của thành phố Yokohama do Trung tâm Koganecho điều hành và quản lý, nghệ sĩ Phan Lê Chung giới thiệu một góc nhìn toàn cảnh về lịch sử cũng như bối cảnh văn hóa của làng Sình thông qua việc trưng bày bản khắc gốc và bản khắc phục dựng. Tác giả còn dày công thực hiện bộ phim tài liệu về lịch sử cũng như quy trình thực hiện tranh dân gian làng Sình từ khâu chế tác bản khắc, pha chế màu cho đến công đoạn phơi tranh.

Sự góp mặt của thể loại tranh làng Sình xứ Huế đem đến một hơi thở mới tạo nên một nét riêng, thu hút rất nhiều sự quan tâm từ công chúng. Nhật Bản là một quốc gia nổi tiếng về lĩnh vực tranh khắc gỗ với rất nhiều họa sĩ nổi tiếng như Kitagawa Utamaro (1753–1806), Katsushika Hokusai (1760–1849)... Tuy nhiên, khác với kỹ thuật tranh khắc gỗ của Nhật Bản, thường được làm thành nhiều bản khắc, tùy vào số lượng bao nhiêu màu trên bức tranh thì có bấy nhiêu bản khắc (cấu trúc này khá giống với cách làm bản khắc của tranh dân gian Đông Hồ), tranh làng Sình chỉ có duy nhất một bản khắc nét đen, phần nét thường là cấu trúc để định hình bố cục lên bức tranh, phần màu thì được tô sau khi bản nét đen đã được in. Tranh làng Sình hội tụ đầy đủ hai yếu tố in và vẽ, chính tính ngẫu biến trong quá trình tô màu này đã tạo cho tranh Sình một nét riêng khó có thể lẫn với loại tranh nào khác. Màu sắc trong tranh Sình cũng được chiết xuất từ những vật liệu từ tự nhiên, thực vật như lá đung, hạt hòe, hạt mồng tơi, lá bàng khô, vỏ sò... Trong tranh Sình, ta cũng thấy dường như có sự hòa quyện của thiên nhiên thông qua sự hiện hữu của sắc và hương. Với hai dòng chính là “bổn mạng” (phù trợ cho gia chủ) và “thế mạng” (hoán đổi cho gia chủ) tranh Sình đã góp mặt trong đời sống văn hóa Huế một cách bình dị và tự nhiên. Không gian trong tranh làng Sình thường là không gian phẳng, nhân vật chính thường đứng ở vị trí trung tâm và chiếm diện tích lớn nhất trong mặt tranh. Các chuẩn mực về giải phẫu và viễn cận rất ít được chú trọng trong thể loại tranh này, bởi vậy tính ước lệ trong tranh làng Sình được nâng cao và trở thành yếu tố chính ảnh hưởng đến việc sắp xếp bố cục tranh.

Trong các tác phẩm khắc gỗ ứng tác với địa phương cũng đã được Phan Lê Chung sử dụng kỹ thuật khắc mộc bản của tranh dân gian làng Sình và gỗ mức (một trong những loại gỗ truyền thống thường được sử dụng làm bản khắc). Thông qua việc thể hiện đề tài chuyển dịch cấu trúc cơ sở hạ tầng truyền thống và hiện đại - một thực trạng khá phổ biến ở những nước phát triển - các tác phẩm của Chung đặt ra câu hỏi: giải pháp nào để bảo vệ các công trình kiến trúc truyền thống trong xu hướng hiện đại hóa hiện nay?

Người xem cũng có quá trình được trải nghiệm trực tiếp thông qua phần hướng dẫn in tranh của nghệ sĩ Phan Lê Chung workshop dành cho trẻ em địa phương với mục đích chia sẻ và giới thiệu một số kỹ thuật cơ bản trong quy trình thực hiện bản khắc tranh dân gian làng Sình. Thông qua triển lãm và trưng bày lần này, công chúng Nhật Bản cũng như các nghệ sĩ, nhà phân tích có dịp được hiểu hơn về văn hóa và tập tục của người Việt Nam nói chung, người Huế nói riêng, từ đó là cầu nối để mọi người có thể hiểu nhau hơn và cùng nhau chia sẻ câu chuyện về văn hóa.

Triển lãm đã tô thêm một sắc xuân của Huế tại xứ sở hoa Anh Đào.

An Nhiên