Thế nên, nhiều phụ nữ không có chế độ thai sản khi nghỉ sinh, đau ốm. Giám đốc BHXH tỉnh Võ Khánh Bình đã ra hàng loạt quyết định yêu cầu truy thu số tiền đóng BHXH và phải kịp thời đảm bảo các chế độ cho người lao động..

Luật quy định, doanh nghiệp có nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động dựa trên mức lương tối thiểu. Thoạt nhìn, có vẻ rất chặt chẽ nhưng thực tế thì doanh nghiệp lại “vùng vẫy” khá thoải mái. Không ít doanh nghiệp và lao động thoả thuận “chia năm, xẻ bảy” hợp đồng lao động thành các bản phụ lục. Tổng thu nhập không thay đổi, chỉ có khác là thu nhập hàng tháng lại nằm rải rác ở nhiều bản hợp đồng. Người lao động (NLĐ) không mấy quan tâm, họ chỉ biết đến số lương mình thực hưởng đúng với thỏa thuận ban đầu là được. Trong khi đó, chênh lệch giữa tỷ lệ đóng BHXH, BHYT của mức lương 10 triệu đồng và mức lương 3 triệu đồng là không hề nhỏ.

Từ 1/1/2016, mức đóng bảo hiểm xã hội căn cứ trên lương và phụ cấp. Doanh nghiệp, người lao động cho rằng, luật đang gây áp lực khi họ phải đóng số tiền lớn, nhất là những đơn vị nhiều lao động hoặc có mức thu nhập cao. NLĐ tính toán thiệt hơn, cần tiền để trang trải cuộc sống trước mắt, lo cho gia đình, chuyện lương hưu là của tương lai xa. Không ít công nhân không muốn đóng BHXH vì không muốn mất 10,5% lương, phụ cấp. Chủ sử dụng lao động lợi dụng lý do này, không đóng 20% mức tiền lương vào quỹ bảo hiểm xã hội. Thế nên, DN và NLĐ cùng “bắt tay” để trốn đóng bảo hiểm. Thậm chí, có doanh nghiệp còn dàn dựng để NLĐ tự nguyện viết đơn không tham gia BHXH vì... hoàn cảnh gia đình.

Các chiêu trò “lách luật” được sử dụng triệt để ở các doanh nghiệp. Không ít lao động làm việc có thâm niên nhưng chỉ được chủ ký hợp đồng miệng, thử việc, ngắn hạn (dưới 3 tháng) hoặc không ký hợp đồng để trốn đóng BHXH. Ông Hoàng Trọng Chính, Phó Giám đốc BHXH tỉnh thừa nhận, mở rộng đối tượng tham gia BHXH là nông dân và nhóm có hợp đồng lao động dưới 3 tháng là bài toán rất khó. Đối với doanh nghiệp làm ăn không bền vững, thời vụ thì họ thường tìm cách trốn, không tham gia BHXH.

Trở lại vấn đề người lao động tự nguyện viết đơn không tham gia BHXH, cả NLĐ và người sử dụng lao động thỏa thuận để không phải đóng BHXH không biết rằng đó là thỏa thuận trái pháp luật. Nếu bị phát hiện thì thỏa thuận này sẽ vô hiệu, lúc này cả NLĐ và DN đều phải truy đóng BHXH. Còn nếu thỏa thuận đóng BHXH ở mức thấp thì NLĐ chịu thiệt là chính. Bởi lẽ, trong tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc hằng tháng, NLĐ chỉ phải bỏ ra chỉ 1/3, 2/3 còn lại là nghĩa vụ của doanh nghiệp. Không tham gia BHXH theo đúng thu nhập thực tế của mình, NLĐ tự đánh mất đi nhiều quyền lợi mà đáng lẽ họ sẽ được hưởng nếu đóng đủ. Tương đương với con số “tiết kiệm chi phí” của doanh nghiệp không chỉ là con số thất thoát của Nhà nước mà là thiệt hại cho chính bản thân NLĐ. Khi giải quyết các chế độ BHXH phát sinh, lao động chịu thiệt vì mức hưởng ốm đau, nghỉ hưởng chế độ thai sản, hưu trí... sẽ chỉ được nhận mức trợ cấp ở mức thấp nhất. 

Liên tiếp những vụ tai nạn lao động dẫn đến lao động bị thương tật, thiệt mạng xảy ra trong thời gian qua nhưng doanh nghiệp lại không đóng BHXH, BHYT cho NLĐ. Điển hình là vụ sập hầm ở Khu Công nghiệp Phú Bài, doanh nghiệp phải mất chi phí chữa trị lên tới hàng tỉ đồng cho người nằm viện, lo đám tang cho người mất. Còn người sống bị thương tật, song cũng không được hưởng chế độ gì. Như vậy là “thiệt anh, thiệt ả” chỉ bởi những “cái bắt tay” vi phạm pháp luật của doanh nghiệp và người lao động.

Không phải người lao động nào cũng hiểu biết hết quyền và nghĩa vụ của mình. Thiệt thòi khi không hiểu luật đã đành, trong khi đó họ lại “lép vế” trong quan hệ với ông chủ do sức ép việc làm.

HUẾ THU