Từ ly rượu đặc quánh bên nhà sàn, tôi được dẫn dắt bằng câu chuyện về “thần dược” ở vùng rẻo cao sau lời hồn hậu của Hồ Văn Đôm (thôn A Hô, xã A Roàng, huyện A Lưới): “Khách quý lắm tui mới mời rượu sâm, không có chi quý hơn sâm…”.

Sâm bảy lá một hoa được ông Viên Đăng Minh trồng trong vườn nhà

Một củ sâm đổi… vài ký gạo

Hồ Văn Đôm, tay “săn” sâm sành sỏi của núi rừng hồi ức lại những năm tháng cùng bố mẹ mò mẫm rừng sâu tìm sâm bảy lá: “Thứ đó hồi trước nhiều lắm. Ai vô rừng cũng có thể tìm được, có người “trúng” mỗi ngày gần chục cân. Nhưng lúc đó có biết sâm ni quý chi mô. Cứ mang về phơi khô nấu nước uống hoặc ngâm rượu thôi”. Đôm kể, khoảng hơn chục năm trước, những người tìm sâm ngoài để uống, họ trao đổi như là thứ hàng hóa thông dụng, một củ sâm đổi mấy ký gạo hay vài tấm vải. Khi thương lái hay tin về loại sâm này, giá sâm vì thế đội lên gấp nhiều lần. Bây giờ, nhắc đến sâm bảy lá, Đôm buồn bã: “Làm chi có nữa, muốn tìm phải băng qua những cánh rừng sâu, giáp biên giới Việt - Lào hay xứ rừng Quảng Nam. Mà nếu tìm cũng chưa chắc đã bán”.

Căn nguyên câu chuyện tìm sâm bắt nguồn từ phía bên kia sườn đồi. Khi nghe “giới thạo tin” đồn thổi cánh thợ rừng tìm sâm Ngọc Linh xứ Quảng “trúng” hàng chục triệu đồng, nhiều người tại A Lưới cơm đùm gạo bới băng rừng, vượt suối để tìm sâm và họ cho rằng sâm “bảy lá” cũng chính là sâm Ngọc Linh.

Ông Viên Đăng Minh (thôn A Kà, xã A Roàng), người có thâm niên hơn 20 năm tìm sâm bảo, khoảng năm 2000 trở về trước, phong trào tìm sâm đầu rộ lên, nhà nhà đua nhau vào những cánh rừng già cả tháng trời để chỉ tìm sâm bán cho thương lái. Thậm chí, trước mỗi chuyến đi cánh thương lái còn đến từng gia đình để đặt hàng. “Năm 1999, trong khi vác gỗ thuê cho chủ rừng tui phát hiện được sâm bảy lá, củ màu trắng vàng, khoảng 3 lạng. Lúc mang về nhà, thương lái đến hỏi mua 300.000 đồng nhưng tui không bán vì thấy rẻ quá”.

Theo cánh sơn tràng A Lưới, loại sâm này thường mọc dưới tán rừng ẩm thấp, cạnh khe suối và mọc rải rác, không tập trung. Từ tháng 2 sâm bắt đầu mọc, đến tháng 11, lá sâm rụng, cho củ. “Khi nhiều người biết đến loại sâm ni, đặc biệt thương lái ráo riết tìm mua thì ai cũng đi tìm. Củ nhỏ, củ to chi cũng nhổ. Đồi Cha Ling cạnh khe Angle (xã A Roàng) lúc trước nhiều sâm lắm, giờ thì hết rồi. Đi tìm sâm, có người ở lại rừng sâu suốt tháng, chịu đựng sốt sét, ngã gãy tay, gãy chân là chuyện bình thường”, ông Minh kể.

Bây giờ, rảo bước khắp các bản làng, khi hỏi về sâm bảy lá chỉ gặp toàn những cái lắc đầu kèm theo lời tiếc rẻ. Đồi Cha Ling, “thủ phủ” sâm bảy lá bây giờ cũng chẳng còn in dấu chân của cánh tìm sâm. Hỏi chuyện sâm, A Chữ (thôn A Hô) vò đầu trách cứ: “Lúc sâm rẻ đua nhau đi nhổ, giờ biết nó quý, mỗi cân gần cả triệu đồng thì tìm không có nữa. Cũng tại con người thôi, nhiều cách mấy mà khai thác không đúng cách cũng cạn kiệt. Giờ muốn tìm thì phải đi qua phía bên kia sườn đồi (rừng Quảng Nam - PV) may ra mới có”…

Không phải sâm Ngọc Linh

Trong câu chuyện với những người sở hữu cũng như từng săn tìm sâm, một chi tiết khiến chúng tôi lưu ý là đồng bào cứ xem đó là sâm Ngọc Linh. Khi đem câu hỏi này đến bác sĩ Hồ Văn Thời, Trưởng trạm Y tế xã A Roàng thì ông bảo, dạo trước người đi tìm loại sâm này nhiều lắm. Họ cứ bảo sâm bảy lá là sâm Ngọc Linh, nhưng tôi nghĩ không phải vì sâm Ngọc Linh thì khó có thể mọc tại A Lưới.

Củ sâm Hồ Văn Đôm may mắn tìm được

Tiếp tục “truy nguyên” liệu sâm bảy lá mà bà con gọi có phải là sâm Ngọc Linh hay không, chúng tôi tìm đến nhiều bản làng ở vùng biên, gõ cửa từng gia đình để xin một lần “diện kiến” loại “thần dược” này nhưng đều gặp cái lắc đầu lẫn nghi kị dù rằng ai cũng hơn một lần băng rừng tìm sâm. Cũng trong chuyến đi, chúng tôi đến nhà Hồ Văn Dĩnh (thôn A Min, xã A Roàng), người được đồng bào vùng cao đồn thổi có cả vườn sâm được trồng ở rừng sâu. Nhưng khi hỏi chuyện, tưởng khách buôn, Dĩnh hất hàm: “Sâm Ngọc Linh hiếm lắm, tui không bán mô”. Biết chúng tôi chỉ cần xem vườn sâm của Dĩnh, anh ta thẳng thừng: “Ở sâu trong rừng, đi phải mất vài tiếng. Thôi bữa khác”.

Sau lời từ chối khéo của Dĩnh, chúng tôi trở lại nhà Hồ Văn Đôm, thuyết phục Đôm cho xem củ sâm. Đôm lui sau phía nhà, lấy hai củ sâm đang ngâm rượu, rồi nói: “Sâm Ngọc Linh đấy, hai củ ni tui mới đi rừng tìm được cách đây gần 1 tháng. Ai mua tui cũng không bán, ngâm rượu uống để bồi bổ sức khỏe”.

Quay trở lại câu chuyện tìm sâm của ông Viên Đăng Minh. Từ những chuyến đi rừng “săn” được sâm, ông Minh mang loại sâm này về trồng tại vườn nhà để nhân giống. Thế nhưng, càng trồng cây sâm càng… chết. “Sâm khó trồng lắm bởi nó mọc tự nhiên trong rừng, mang về vườn không thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu. Vườn tui chừ chỉ còn một cây nhưng đã rụng lá. Chừ ở A Lưới, người trồng được chỉ đếm trên đầu ngón tay”, ông Minh thở dài.

Chưa thỏa mãn được câu hỏi loại sâm mà đồng bào A Lưới xem như thần dược là loại gì, chúng tôi đến tìm gặp PGS.TS Trần Thị Thu Hà, Phó Trưởng khoa Nông học - Trường đại học Nông lâm Huế. Sau khi xem những bức ảnh chụp củ sâm của Hồ Văn Đôm và cây sâm của ông Viên Đăng Minh trồng, PGS.TS Trần Thị Thu Hà cho biết: “Loại sâm này có tên khoa học là sâm bảy lá một hoa, còn gọi là thất diệp nhất chi hoa là một vị thuốc đặc biệt quý hiếm, được ghi nhận có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. Các hoạt chất sinh học trong cây chủ yếu là saponin và 1 glucozit được gọi là paristaphin. Sâm thường phát triển ở vùng rừng núi cao không những ở miền Trung và cả ở phía Bắc như Hoà Bình, Lào Cai và Ninh Bình. Hiện nay, giá bán trên thị trường dao động 2-2,8 triệu đồng/kg”.

Cũng theo theo PGS.TS Trần Thị Thu Hà, sâm bảy lá một hoa khác hẳn với sâm Ngọc Linh. Sâm Ngọc Linh có giá trị hoạt chất sinh học hơn và được ghi nhận có 37 saponin, trong đó mới có 14 hợp chất mới được phân lập. “Đại học Huế có hai công trình nghiên cứu về cây sâm bảy lá một hoa nhưng việc nhân giống chưa thành công mà bước đầu chỉ nghiên cứu thành công nuôi cấy tế bào huyền phù thu dược chất. Hiện nay, người dân khai thác triệt để mà không bảo tồn dẫn đến nguy cơ mất loài rất lớn nên việc nghiên cứu bảo tồn loài cây này rất cần thiết. Chính quyền địa phương nên khuyến cáo bà con để bảo vệ và bảo tồn loài cây quý này”, PGS.TS Trần Thị Thu Hà chia sẻ.

Bài, ảnh: QUỲNH VIÊN