Tuyên truyền người dân rõ thông tin cấp, đổi GPLX

Người dân thiếu thông tin

Điều 57, Thông tư 58/2015 của Bộ GTVT quy định GPLX bằng giấy bìa phải được chuyển đổi sang GPLX mới bằng vật liệu cứng (PET) theo lộ trình như sau: GPLX ô tô và GPLX hạng A4 trước ngày 31/12/2016; GPLX không thời hạn (các hạng A1, A2, A3) phải trước ngày 31/12/2020. Sau 6 tháng theo lộ trình chuyển đổi này mà người có bằng lái xe bằng giấy bìa không chuyển đổi sẽ phải sát hạch lại lý thuyết để được cấp lại bằng. Người dân do thiếu thông tin nên dẫn đến hiểu việc chuyển đổi GPLX là bắt buộc.

Tại văn phòng một cửa của Sở GTVT, lượng người đến xin cấp đổi GPLX sang vật liệu cứng đã giảm hẳn. Hiện nay, những người tới chuyển đổi GPLX chủ yếu do giấy phép bị hỏng hoặc hết hạn. Một số người đã ra về sau khi nghe cán bộ giải thích không bắt buộc chuyển đổi GPLX còn giá trị. Một cán bộ tại bộ phận một cửa Sở GTVT cho biết, trong thời gian này, bộ phận một cửa vẫn tiếp nhận chuyển đổi GPLX sang vật liệu PET khi người dân yêu cầu. Cán bộ cũng giải thích cho người dân hiểu chỉ khuyến khích chuyển đổi, không bắt buộc nếu GPLX còn thời hạn.

Lượng người đến Sở GTVT làm hồ sơ cấp đổi GPLX đã giảm

So với thời điểm cuối tháng 11 vừa qua, do người dân thiếu thông tin, cho rằng đến hết ngày 31/12/2016, Sở GTVT sẽ kết thúc việc cấp đổi GPLX mô tô, nên lượng người đổ xô đến khu vực này khá đông, gây cảnh tượng chen lấn và khó khăn trong công tác cấp đổi. Anh Võ Anh Tuấn (trú xã Phong An, huyện Phong Điền) cho biết: “Mình đến đăng ký chuyển đổi GPLX hạng A1 do GPLX của mình sắp hết hạn ghi trên giấy chứ không phải lo lắng về lộ trình đổi theo quy định của bộ. Từ đầu tháng 12, sau khi nghe cán bộ Sở GTVT tư vấn cũng như đọc được thông tin trên phương tiện truyền thông, mình không còn lo lắng nữa”.

Giúp dân cấp đổi GPLX thuận lợi hơn

Thông tư mới sửa bổi, bổ sung với quy định, đối với GPLX có thời hạn, không bắt buộc người dân phải chuyển đổi nếu còn thời hạn ghi trên giấy. Đối với GPLX không thời hạn, việc chuyển đổi sang GPLX bằng vật liệu PET được thực hiện đến ngày 31/12/2020. Những người không chuyển đổi GPLX bằng giấy, nếu còn thời hạn ghi trên giấy phép thì vẫn có giá trị lưu hành, không bị lực lượng chức năng xử phạt.

Hiện Bộ GTVT đang soạn dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 58 theo hướng tiếp thu ý kiến của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp)- sau khi đơn vị này có văn bản “tuýt còi” thông tư trên. Ông Võ Văn Tươi, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, lãnh đạo sở đã nắm được thông tin Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật kết luận Điều 57 Thông tư 58/2015 của Bộ GTVT về lộ trình chuyển đổi GPLX sang vật liệu PET không phù hợp với pháp luật hiện hành. “Thông tư mới đã trình Bộ GTVT và sẽ ban hành trong tháng 12 này. Nhưng đến nay, Sở GTVT vẫn chưa nhận được”, ông Tươi nói.

Ông Tươi cho biết thêm, trong năm 2016, sở đã tiến hành cấp đổi cho khoảng 80 nghìn GPLX mô tô hạng A1 và 20 nghìn GPLX ô tô cho người dân có nhu cầu. Việc khuyến khích đổi GPLX hết hạn, sang vật liệu mới nhằm có sự quản lý đồng bộ, chống việc làm bằng giả. Thời điểm cuối tháng 11, trung bình mỗi ngày bộ phận một cửa sở tiếp nhận khoảng 350-500 bộ hồ sơ xin cấp đổi GPLX. Đến nay do người dân đã nắm được thông tin, lượng hồ sơ giảm xuống chỉ còn 100 -150 bộ.

Theo chỉ đạo của Bộ GTVT, Sở GTVT cũng bố trí các cụm bưu điện tiếp nhận hồ sơ, đưa về sở kiểm tra dữ liệu, hồ sơ gốc. Trước việc người dân chưa nắm rõ thông tin, ồ ạt đến xin cấp đổi GPLX tại văn phòng, Sở GTVT đã đề nghị Ban ATGT tham mưu in phát hơn 1.000 tờ rơi về các địa phương và thông tin về quy định đổi GPLX trên loa phát thanh các xã, phường và phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm rõ thông tin. Ở các cụm bưu điện huyện, thị xã, ngoài tiếp nhận hồ sơ cũng tiến hành giải thích cho người dân hiểu, nắm rõ quy định về việc đổi GPLX. “Riêng ở văn phòng một cửa Sở GTVT, thời gian qua chúng tôi đã tăng cường thêm cán bộ, máy in bằng (hiện nay đang sử dụng 3 máy) và làm thêm ngày thứ 7 để giải quyết khối lượng công việc, giúp việc cấp đổi bằng cho người dân thuận lợi hơn”, ông Tươi khẳng định.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN