Người tị nạn Rohingya chờ bên ngoài tòa nhà của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn ở Kuala Lumpur, Malaysia hồi tháng 8/2015 - Ảnh: Reuters

Tờ Nikkei Asian Review của Nhật đưa tin cố vấn nhà nước kiêm ngoại trưởng Myanmar - bà Aung San Suu Kyi - đã triệu tập một cuộc họp khẩn với ngoại trưởng các nước khối ASEAN tại thành phố Yangon vào ngày 19/12 tới để thảo luận mối quan ngại của quốc tế về chiến dịch quân sự của nước này ở bang miền tây Rakhine. Myanmar đưa ra quyết định này tại cuộc họp không chính thức của các quan chức ASEAN ở Bali (Indonesia) cuối tuần qua.

Theo AFP, trong hai tháng qua, hơn 20.000 người thiểu số Rohingya theo đạo Hồi ở Myanmar đã ồ ạt chạy sang Bangladesh để tránh chiến sự đang diễn ra ở Rakhine. Một số nước ASEAN tiếp nhận người tị nạn Rohingya như Indonesia, Malaysia... cũng tỏ ra lo lắng.

Theo ý kiến của tôi, ASEAN cần đưa ra một phản ứng chung, ít nhất là một sứ mệnh cứu trợ nhân đạo

Ông SURIN PITSUWAN (cựu tổng thư ký ASEAN)


Áp lực ngoại giao

Tờ Nikkei Asian Review bình luận đây là lần đầu tiên Myanmar triệu tập cuộc họp đặc biệt trong ASEAN để thảo luận một vấn đề tương đối “nhạy cảm”. Giới quan sát trong ASEAN xem động thái này là dấu hiệu cho thấy chính quyền Myanmar đang dao động trước áp lực từ quốc tế.

Thời gian qua, nhiều chính phủ và tổ chức nhân đạo quốc tế đã lên tiếng quan ngại về chiến dịch quân sự cứng rắn mà quân đội Myanmar đang tiến hành nhằm đáp trả vụ tấn công đồn biên phòng của phiến quân Hồi giáo người Rohingya hôm 9/10 khiến 9 binh sĩ thiệt mạng ở bang Rakhine giáp biên giới Bangladesh.

Mới tuần trước, trước đám đông biểu tình hàng ngàn người ở thủ đô Kuala Lumpur, Thủ tướng Malaysia Najib Razak chỉ trích bà Aung San Suu Kyi vì để xảy ra các vụ trấn áp “bạo lực” đối với người Hồi giáo thiểu số Rohingya.

Cố vấn đặc biệt về Myanmar cho tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Vijay Nambiar, cũng lên án cách bà Aung San Suu Kyi xử lý cuộc khủng hoảng ở Rakhine, gọi đó là “nỗi thất vọng của quốc tế”.

Bà Aung San Suu Kyi đã phải hủy một chuyến công du đến Indonesia trong tháng 11 vừa qua sau một loạt cuộc tuần hành phản đối và đe dọa tấn công Đại sứ quán Myanmar ở Indonesia.

Truyền thông nhà nước Myanmar đưa tin gần 100 người đã chết - gồm 17 binh sĩ và 76 phiến quân - trong chiến dịch quân sự gần đây ở bang Rakhine sau vụ tấn công ngày 9/10.

Một số tổ chức quốc tế đưa ra con số thương vong khoảng vài trăm, tuy nhiên các nhà báo nước ngoài và các nhà điều tra độc lập không được phép tiếp cận khu vực chiến sự để kiểm chứng thông tin.

Với cuộc khủng hoảng chưa có dấu hiệu chấm dứt, chính quyền Myanmar cuối tuần qua đã gia hạn lệnh giới nghiêm tại bang Rakhine thêm hai tháng.

Ảnh hưởng đến khu vực

Ngày 6/12 vừa qua, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã đến thành phố Naypyitaw theo lời mời của bà Aung San Suu Kyi. Tại cuộc gặp, hai người đã thảo luận những diễn biến mới nhất tại Rakhine.

Ngoại trưởng Retno đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khôi phục hòa bình và ổn định ở Rakhine để tạo điều kiện cho các sáng kiến phát triển toàn diện. Ông Retno cũng kêu gọi Myanmar cho phép hàng viện trợ nhân đạo tiếp cận các cộng đồng thiểu số Hồi giáo trong khu vực này.

Trả lời phỏng vấn tạp chí Nikkei, ông Surin Pitsuwan (người Thái) - cựu tổng thư ký ASEAN - cảnh báo rằng vấn đề Rakhine có thể gây ra một số hệ lụy trong khu vực. “Theo ý kiến của tôi, ASEAN cần đưa ra một phản ứng chung, ít nhất là một sứ mệnh cứu trợ nhân đạo” - ông Pitsuwan nhận định.

Một quan chức cao cấp của Thái Lan tuyên bố Bangkok sẵn sàng giúp đỡ nếu Naypyitaw có yêu cầu. Hiện có khoảng 40.000 người Rohingya đang tị nạn ở Thái Lan, nhiều người trong số này đến Thái trước năm 2015 bằng đường biển.

Trong bài phân tích đăng trên báo The Star của Malaysia, bà Shaffira D. Gayatri thuộc Tổ chức Mạng lưới quyền lợi người tị nạn châu Á - Thái Bình Dương nhấn mạnh một sáng kiến chung của cộng đồng ASEAN trong vấn đề Rakhine đang cần thiết hơn lúc nào hết.

“Thay vì cứ chỉ trích và khơi mào thù hận, chúng ta cần hành động một cách tỉnh táo và có trách nhiệm bằng cách ủng hộ các tổ chức quốc tế viện trợ nhân đạo cho người Rohingya” - bà Gayatri kêu gọi.

Trong cuộc họp ngày 19/12 tới ở Yangon, ngoài kế hoạch thông báo tình hình cho các bộ trưởng ASEAN, bà Aung San Suu Kyi có thể sẽ nêu ra một số giải pháp cho cuộc khủng hoảng Rakhine, tờ Nikkei dẫn lời một quan chức ASEAN có mặt tại cuộc họp ở Bali.

Gần phân nửa cộng đồng phải đi lánh nạn

Theo Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, khoảng nửa triệu người Rohingya ở Myanmar (trên tổng số 1,3 triệu) đã phải di tản khỏi nơi ở, và từ năm 2014 có khoảng 94.000 người chạy sang các nước láng giềng.

Điểm đến phổ biến là Malaysia, nước này đang tiếp nhận khoảng 142.000 người Rohingya. Riêng Indonesia hiện có chừng 1.000 người tị nạn (chưa tính những người không đăng ký), chủ yếu ở tỉnh Aceh.

Nếu tình hình chiến sự ở Rakhine không cải thiện, trong thời gian tới các nước như Malaysia, Indonesia và Thái Lan sẽ phải nhận thêm nhiều người tị nạn Rohingya, gây nguy cơ lặp lại cuộc khủng hoảng di cư hồi năm 2015 ở Đông Nam Á.

Theo Tuổi trẻ