Lễ khai mạc quần vợt quốc tế U18 ITF - 2012 lần đầu tiên được tổ chức tại Huế không màu mè nhưng khá hoành tráng. Gần 150 VĐV Việt Nam và quốc tế liên tục trầm trồ, khen ngợi những tiết mục nghệ thuật, thể thao mang đậm bản sắc Cố đô. Và, khi tiết mục Lôi phong phiến của Võ kinh Vạn An kết thúc, sự tán thưởng như được nhân lên gấp bội.

Võ sinh Vạn An biểu diễn bài Lôi phong phiến. Ảnh: Võ Nhân

Nếu như Bình Định nổi tiếng với bài Hùng kê quyền của Đông Định vương Nguyễn Lữ thì Bắc Giang lại tự hào với Thiết địch (võ sáo) của “Hùm xám Yên Thế” Hoàng Hoa Thám. Và ở Huế, 108 đường Lôi phong phiến của Võ kinh Vạn An đã từng bước khẳng định được tinh hoa của một võ phái bắt nguồn từ võ cung đình trên đất Cố đô.

Ngoài tác dụng phe phẩy cho mát (nhưng không nhiều lắm) thì chiếc quạt xếp được xem như vật trang sức, một “phụ kiện” không thể thiếu của các bậc vương tôn, công tử hay những thư sinh áo vải dùi mà kinh sử ngày xưa. Nhưng trong tay các võ sinh, võ sư Vạn An, chiếc quạt là một vũ khí nguy hiểm, và trong cận chiến, uy lực của nó được phát huy đến mức tối đa thông qua bài Lôi phong phiến.

Không cương mãnh, ồ ạt như quyền cước, không hiểm như kiếm như thương, không bá đạo, ngập tràn sát khí như đao nhưng dưới tay một cao thủ, khi lâm trận, chiếc quạt trông mảnh mai, yếu ớt ngay lập tức có thể uy hiếp tinh thần đối phương chỉ bằng tiếng quạt xếp vào, mở ra. Và khi đạt đến mức “tùy tâm sở dục”, từng chiêu từng thức nhanh như gió, mạnh như sấm chớp sẽ liên tiếp tung ra bằng vào sức mạnh của cổ tay, cơ gân và độ linh hoạt của người sử dụng.

Được xem là một trong những “trấn môn chi bảo” nên Lôi phong phiến cũng hội tụ đầy đủ những tiêu chí của Võ kinh Vạn An về: hình (góc cạnh của đòn thế), lực (sức mạnh), ý (ra đòn nhanh, chuẩn như ý nghĩ) và khí (đòn thế vận động theo hơi thở). Theo võ sư Trương Quang Kim, Chưởng môn Võ kinh Vạn An, trong 108 đường Lôi phong phiến, những chiêu thức mà ông đắc ý nhất là “Sổ bộ truy phong”, “Bạch hạc lượng xí”, “Diêu tử phiên thân”, “Nhất chỉ điểm hồng”. Trong đó, “Nhất chỉ điểm hồng” có thể xem là “sát chiêu” bởi nó chủ yếu công kích vào những huyệt vị trên người đối phương mỗi khi cận chiến.

Không chỉ gói gọn ở Thừa Thiên Huế, với khả năng kết hợp giữa biểu diễn võ thuật với các tour du lịch, Võ kinh Vạn An được khá đông du khách trong và ngoài nước biết đến cũng như thu hút hàng ngàn võ sinh châu Âu theo học. Hỏi chuyện Võ sư Kim có định phổ biến 108 chiêu Lôi phong phiến hay không, ông cười sảng khoái: có gì mà phải giấu. Ngày xưa chính quan niệm “nhất mạch chân truyền” hay giỏi lắm chỉ truyền cho những đệ tử thân cận khiến tinh hoa của võ dân tộc ngày càng mai một. Bây giờ khác. Muốn “phát dương quang đại” phải có cái nhìn thoáng hơn, rộng hơn...

Hàn Đăng