Theo đó, lượng mưa từ 7 giờ đến 10 giờ sáng nay tại các trạm Thượng Nhật 1mm, Khe Tre 1mm, Bình Thành 2mm, Kim Long 0mm, Phú Ốc 1mm, Phong Bình 0mm, Truồi 1mm, Tà lương 1mm, A Lưới 1mm, Huế 2mm. Mực nước tại trạm Kim Long 2,05m, Phú Ốc 3.36m, Phong Bình 1,76m.

Chợ Tây Ba (xã Quảng Thành) chuyển lên đường do bị ngập

Hiện, mực nước tại các hồ Thủy điện Hương Điền +58m, đạt mức dâng bình thường. Lưu lượng đến hồ 578 m3/s, lưu lượng về hạ du 578 m3/s; hồ Thủy điện Bình Điền +85m,đạt mức nước dâng bình thường, lưu lượng đến hồ 335, 37 m3/s, lưu lượng về hạ dụ 355,37 m3/s; hồ Thủy điện A Lưới + 552, 829m (mực nước dâng bình thường +553m), lưu lượng đến hồ 152,5 m3/s, lượng xả tràn 107,6 m3/s; hồ Tả Trạch +44,10m, lưu lượng xả về hạ du 755,6 m3/s. Các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trong tỉnh đang đảm bảo an toàn và mực nước cơ bản đạt cao trình mực nước thiết kế.

Ghi nhận của Thừa Thiên Huế Online tại các vùng thấp trũng như, Hương Vinh, Hương Phong, Hương Chữ, Hương An (Hương Trà), Quảng Thành, Quảng Phước, Quảng Vinh (Quảng Điền), Phong Thu, Phong Bình (Phong Điền), Phú Mậu (Phú Vang)... sáng nay mực nước đang xuống chậm, song một số địa phương vẫn còn ngập nặng. Ông Trần Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Bình cho biết: “So với hôm qua, thời điểm này, nước đã rút khoảng 0,2m. Tuy nhiên, tại Phong Bình vẫn ngập trên diện rộng. Chính quyền địa phương đang theo dõi diễn biến thời tiết để kịp thời ứng phó”.

Những nơi nước rút, người dân tất tả dọn lụt

Ở rốn lũ Quảng Thành, ông Đào Trọng Thành, Chủ tịch UBND xã cho hay: “Đến sáng nay, mực nước tại địa phương đã rút khoảng 0,5m. Tuy nhiên tại các thôn như, Phú Lương, Tây Thành nước vẫn còn ngập sâu 0,7m. Hiện bà con đang chờ nước rút để tổ chức vụ đông xuân. Diễn biến thời tiết còn phức tạp, chính quyền địa phương vẫn chủ động nắm tình hình để đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa lũ”.

Một số hình ảnh mưa lũ trong sáng 17/12:

Người dân phường Hương Sơ (TP Huế) lội nước đi chợ

Nước tràn lên tỉnh lộ 8B có, nơi ngập 0,5m

Trường mầm non Phú Thanh (Quảng Thành, Quảng Điền) ngâm nước trong 4 ngày qua

Đi lại và vận chuyển hàng hóa bằng thuyền đường về Hương Phong (Hương Trà)

 

Người dân tranh thủ dọn bèo ở Quảng Điền 

Đoạn qua chợ Hương Vinh (Hương Trà) ngập khoảng 0,3m trưa nay

Chờ đưa khách bằng thuyền trên tỉnh lộ 8B

Mưu sinh mùa lũ muộn

* Cũng trong sáng nay (17/12), tại trụ sở Bộ NN&PTNT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ khu vực miền Trung. Tham dự còn có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các Bộ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn và 9 tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Gia Lai).

Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao chủ trì. Cùng dự có đại diện các cơ quan ban ngành, lực lượng vũ trang…

Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mưa lớn đã làm lũ trên các sông lên cao ở mức báo động 3, có nơi trên báo động 3. Nhiều khu vực xấp xỉ mức lũ lịch sử. Các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đã đầy nước, đang phải xả lũ. Nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt do ngập lụt, sạt lở. Sản xuất bị đình trệ.

Đợt mưa lũ từ giữa tháng 10/2016 đến nay đã làm 111 người chết và mất tích, 121 người bị thương. Hơn 316.000 nhà bị ngập, hư hại. Trên 42.800 ha lúa, 39.000 ha hoa màu bị ngập hư hại. Tổng thiệt hại ước tính trên 8.573 tỷ đồng. Riêng đợt mưa lũ từ ngày 12-16/12 đã làm 15 người chết, mất tích.

Tại Thừa Thiên Huế, mưa lũ làm 3 người chết, 8.180 ngôi nhà bị ngập từ 0,2-0,4m. Về nông nghiệp thiệt hại 100% mạ đã gieo, lúa giống ngâm ủ phục vụ gieo trồng 3.000 ha; hơn 521 ha hoa màu bị chìm trong nước. Hệ thống giao thông tại nhiều địa phương gần như tê liệt hoàn toàn, người dân phải di chuyển bằng thuyền qua các vùng nước sâu.

Trước tình hình đó, các địa phương, cơ quan đơn vị đã triển khai nhiều phương án ứng phó mưa lũ. UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ, Bộ ngành Trung ương, trước mắt quan tâm hỗ trợ tỉnh 1.000 tấn gạo, 115 tấn giống để gieo cấy vụ đông xuân, 20 tấn clorine để xử lý môi trường thủy sản và 370 tỷ đồng giúp tỉnh khắc phục hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu. Về lâu dài, hỗ trợ 2.850 tỷ đồng để thực hiện dự án tiêu thoát nước vùng hạ du và chống bồi lấp cửa biển; hỗ trợ xử lý kè chống sạt lở bờ biển và tiếp tục chương trình nâng cấp đê biển.

Ngay sau cuộc họp trực tuyến, ông Nguyễn Văn Cao hội ý nhanh với các sở, ban, ngành, lực lượng vũ trang… về việc khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra trong thời gian tới. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao nhấn mạnh, tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp, khó lường, các đơn vị không được lơ là, chủ quan. Yêu cầu các đơn vị đánh giá lại tình hình bão lũ, khắc phụ hậu quả, thống kê thiệt hại và có kiến nghị chi tiết.

Dịp này, ông Nguyễn Văn Cao đề nghị xem xét khen thưởng cụ ông Nguyễn Thanh Phước (73 tuổi, trú xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy) đã dũng cảm lao mình xuống dòng nước lũ cứu một nữ sinh  bị sảy chân.

Clip nước tràn trên tỉnh lộ 8B trưa nay:

Nhóm PV-CTV