Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) trong cuộc họp báo ở Tokyo ngày 16/12. (Nguồn: AFP/TTXVN)
|
Rõ ràng chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Nga tới Nhật Bản sau hơn một thập kỷ đã mang tới nhiều kết quả khả quan cho quan hệ Nga - Nhật vốn gặp nhiều trắc trở do những vấn đề thực tại và cả những vấn đề do lịch sử để lại. “Chương mới” trong quan hệ Nga - Nhật đang được mở ra, cho dù còn muôn vàn khó khăn. Đúng như lời Tổng thống V.Putin nói tại cuộc gặp ngày 15/12 tại TP Nagato, tỉnh Yamaguchi: “Nhờ thiện chí của Thủ tướng S. Abe, quan hệ hai nước đã có những tiến triển”.
Đáp lại thiện chí của Tổng thống Nga, Thủ tướng S. Abe cũng tuyên bố, Tokio sẵn sàng tăng cường hợp tác kinh tế đối với Nga mà không đợi tới khi tìm được giải pháp cho tranh chấp quần đảo Kuril, vấn đề gai góc nhất trong quan hệ Nga - Nhật. Thiện chí của cả hai nước khi cùng nhìn về một hướng đã tạo thời cơ chín muồi để hai bên cùng nhau bước qua một “thời kỳ đã lỗi thời”, cùng hướng tới tương lai tốt đẹp, với nền tảng là sự hợp tác cùng phát triển, lấy quan hệ kinh tế song phương cùng có lợi làm nền tảng cho việc giải quyết những vấn đề còn tồn tại.
Cuộc hội đàm bên suối nước nóng ở Yamaguchi đã cho thấy tính biểu tượng, thiện chí rất cao về sự nồng ấm mà nước chủ nhà Nhật Bản dành cho Tổng thống V. Putin cũng như nước Nga. Không khí ấm áp của cuộc hội đàm trong một mùa đông giá lạnh mang ý nghĩa biểu tượng cho sự phá băng những quan điểm, những khúc mắc tưởng chừng không thể giải quyết.
Đặc biệt, cuộc hội đàm bên suối nước nóng ấy không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng, mà nó còn bao hàm những ý nghĩa thiết thực. Kết quả cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo của hai nước đã thống nhất được rằng, hai nước cần tìm kiếm phương án giải quyết vấn đề luôn tính đến lợi ích của mỗi quốc gia, để cả hai bên đều chấp nhận được và không nước nào cảm thấy thắng hay thua cuộc; phối hợp để sớm giải quyết tranh chấp lãnh thổ, sớm đi đến ký kết Hiệp ước hoà bình và bắt đầu kỷ nguyên mới của quan hệ Nga - Nhật.
Sự nồng ấm từ cuộc hội đàm đã lan tỏa, làm ấm lòng rất nhiều người dân hai nước gần gũi về mặt địa lý và có mối thiện cảm giữa hai dân tộc, đúng như lời Tổng thống V. Putin tuyên bố: Việc Tokio và Mátxcơva chưa thể đạt được hiệp ước chính thức về quần đảo Nam Kuril - Vùng lãnh thổ phương Bắc là “điều lỗi thời” nên cần sớm giải quyết các quan điểm bất đồng, dù đây là một “việc khó khăn”.
Để tạo ra sự “phá băng” trong quan hệ hai nước, trước hết đã có sự “phá băng” tư tưởng từ chính các nhà lãnh đạo cao nhất của hai nước. Xác định rõ vấn đề tranh chấp lãnh thổ như “bức tường” đang ngăn chặn mọi nỗ lực hiểu nhau, Tokio đã “đổi hướng” và đi theo giải pháp thực tế hơn là tăng cường hợp tác kinh tế, quốc tế với Nga, lấy hợp tác kinh tế thực chất để xây dựng một mối quan hệ song phương vững chắc hơn, từ đó dần mở ra hướng giải quyết những vấn đề khó khăn.
Ở phía bên kia, ngay từ khi Tổng thống V. Putin chính thức quay trở lại nắm quyền Tổng thống Nga nhiệm kỳ mới, so với nhiệm kỳ làm tổng thống giai đoạn 2000-2008, ông V. Putin đã có thay đổi quan điểm đối với vấn đề Nhật Bản. Tháng 3/2012, thời điểm trước thềm bầu cử Tổng thống, ông V. Putin cũng tuyên bố với báo giới rằng, muốn giải quyết tận gốc vấn đề tranh chấp lãnh thổ với các bên có cùng tranh chấp. Chính tuyên bố này của Tổng thống V. Putin đã tạo ra sự kỳ vọng trong giới lãnh đạo tại Tokio. Sau tuyên bố này, quan hệ Nhật - Nga đã có những tín hiệu tích cực, thực chất và có những đối thoại mang tính xây dựng.
Đáp lại thiện chí từ phía Nga, Nhật Bản cũng tích cực hóa giải bất đồng. Chỉ tính năm 2016, ông S. Abe đã lập “kỷ lục” về sự “tấn công” ngoại giao mạnh mẽ của Nhật Bản đối với Nga. Ở Sochi, hồi giữa năm 2016, hai nhà lãnh đạo đã hội kiến. Tháng 9, Thủ tướng S. Abe đến Vladivostok tham gia “Diễn đàn kinh tế phương Đông” do Nga tổ chức, hai bên tiếp tục gặp gỡ. Đến tháng 11, lãnh đạo hai nước tận dụng thời gian tham gia Hội nghị Thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Peru để gặp gỡ lần thứ ba.
Trong những lần gặp gỡ, hai nhà lãnh đạo đã cùng nhau đưa ra ý tưởng hợp tác quản lý quần đảo Nam Kuril. “Cách tiếp cận mới” của ông S. Abe được đánh giá hoàn toàn có cơ sở khi ông tin tưởng và nhận được sự đồng thuận của Tổng thống V. Putin.
Nhìn một cách tổng thể có thể thấy rõ ý đồ của hai nhà lãnh đạo mong muốn lấy phương thức qua lại giữa các nhà lãnh đạo cấp cao để tạo niềm tin, dẫn dắt sự phát triển quan hệ song phương. Đúng như phát biểu của Thủ tướng S. Abe, để giải quyết quan hệ song phương phải thiết lập quan hệ tin cậy lẫn nhau giữa cấp cao nhất, ngoài ra không còn con đường nào khác.
Sở dĩ nói như vậy là bởi, nhiều năm nay, do vấn đề lãnh thổ, chính phủ các khóa khác nhau của Nhật Bản luôn thực hiện chính sách “gắn chính trị với kinh tế”, hợp tác kinh tế phải tiến hành đồng bộ với giải quyết vấn đề lãnh thổ, then chốt của chính sách đó trên thực tế là ưu tiên chính trị.
Quan điểm trước kia của Nhật Bản và quan điểm của Nga đã không gặp được nhau, khiến nước Nga cũng phải lựa chọn giữa lãnh thổ và kinh tế. Chỉ từ sau khi Thủ tướng S. Abe lên nắm quyền, chính sách của Nhật Bản đối với Nga đã thay đổi.
“Tư duy mới” về quan hệ với Nga do Thủ tướng S. Abe đưa ra biểu hiện ở chỗ đặt hợp tác kinh tế lên vị trí hàng đầu, đồng thời, đẩy nhanh quan hệ chính trị đối với Nga để thúc đẩy quan hệ song phương, đã khiến hai nước có nhiều điểm chung. Quan điểm lớn đã gặp được nhau.
Theo Dân trí