“Đối với giá SIM, mức như vậy không phải là quá cao và quy định buộc khách hàng phải đến các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng có người phục vụ của doanh nghiệp này và các điểm đăng ký thông tin thuê bao được doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động ký hợp đồng ủy quyền... với mức phí hòa mạng như trên sẽ là biện pháp khá hữu hiệu chặn thuê bao “ảo” làm bùng nổ SIM rác tràn lan hiện nay” - một số sinh viên Trường ĐHSP Huế chia sẻ. Bởi, với mỗi SIM mới, người dùng chỉ cần bỏ ra  50 - 100 ngàn đồng đã sở hữu một SIM điện thoại với tài khoản có sẵn 100 - 200 ngàn đồng. Việc mua SIM khuyến mãi để sử dụng lợi hơn rất nhiều so với nạp tiền vào SIM đang sử dụng, nên trường hợp một người muốn sở hữu hàng chục, thậm chí cả trăm SIM cũng là chuyện bình thường.

 

Theo thông lệ quốc tế, việc quản lý SIM điện thoại di động trả trước hoặc trả sau không có sự khác biệt cả về giá thành sản xuất, cước hòa mạng, cung cấp dịch vụ và quản lý thuê bao. Song, ở Việt Nam, thời gian qua, người tiêu dùng chỉ bỏ tiền mua SIM điện thoại thì đã sẵn tài khoản. Số tiền này chưa được tách bạch rõ ràng giữa tiền mua SIM với tiền cước hòa mạng và cước sử dụng dịch vụ. Do vậy, việc cần phải tách bạch giữa cước hòa mạng, tiền SIM, thủ tục đăng ký thuê bao được đề ra trong dự thảo thông tư mới.

 

Trước đây, báo Thừa Thiên Huế nhiều lần phản ánh nỗi bức xúc của bạn đọc trước vấn nạn SIM rác hoành hành. Bởi, nhiều người trong số họ thường xuyên trở thành nạn nhân do những tin nhắn rác quảng cáo, nội dung không lành mạnh, thậm chí bị gọi điện quấy nhiễu cả ngày lẫn đêm, gây ra biết bao phiền toái. Hơn nữa, việc không quản lý được SIM rác còn là cơ hội cho những đối tượng xấu tham gia lừa đảo người dân thông qua mạng di động khiến nhà quản lý chẳng thể can thiệp. Từ đó, thông qua báo, nhiều bạn đọc rất đồng tình với giải pháp mà Bộ TT& TT đưa ra và tin tưởng hiện tượng dùng SIM rác sớm chấm dứt.

 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến của cán bộ, công chức Nhà nước cho rằng, để xử lý dứt điểm tình trạng SIM rác, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cần chấm dứt việc tung ra những chương trình khuyến mãi “khủng” khi kích hoạt SIM mới. Vì được hưởng nhiều ưu đãi hơn, do doanh nghiệp đua nhau giảm giá dịch vụ và khuyến mãi tặng tiền vào tài khoản, khách hàng có xu hướng chọn mua SIM mới dùng hết khuyến mãi thì bỏ đi, thay vì mua thẻ cào khiến lượng thuê bao “ảo” ngày càng nhiều.

 

Để hạn chế nạn thuê bao “ảo”, SIM rác và lợi dụng dịch vụ di động trả trước vào các hoạt động gây mất an ninh, trật tự xã hội, ngoài việc cần có sự phối hợp hài hòa giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các doanh nghiệp thì cũng cần cả sự hợp tác của người sử dụng dịch vụ thông tin di động. Mong rằng, sau khi thông tư nói trên được Bộ TT&TT ban hành sẽ bổ sung giải pháp về kinh tế để quản lý chặt chẽ hơn nữa thuê bao di động trả trước.

Vĩnh Cự