Mất trắng

Hàng năm, rau xanh tại huyện Quảng Điền cung ứng lượng lớn cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Song, sau những đợt mưa lũ từ gần đây, rau bị ngập, thiệt hại gần như hoàn toàn. Hàng trăm hộ dân ở các thôn Thành Trung, Tây Thành, Phú Lương, Thanh Hà... không thể cứu vãn được số rau của mình.  Bà Nguyễn Thị Hoa (thôn Thành Trung, xã Quảng Thành) buồn bã: “Tui trồng 3 sào rau thơm, xà lách, cải, ngò…nhưng vì mưa lũ nên đã bị mất trắng. Dù che đậy cẩn thận nhưng nước ngập quá sâu, không thể cứu được. Ước tính thiệt hại trên dưới 15 triệu đồng”.

Vựa rau Quảng Thành vẫn còn ngập úng

Xã Quảng Thành có khoảng 75ha rau xanh, mỗi ha mang lại thu nhập từ 120-150 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. Thời điểm này, thị trường rau xanh chuẩn bị phục vụ cho dịp tết Nguyên đán đang cận kề. Nhưng người dân không có rau bán khiến họ gặp khó. Ông Đào Trọng Thành, Chủ tịch UBND xã Quảng Thành chia sẻ: “Dịp tết là thời điểm nông dân có thu nhập cao từ rau bởi giá thường cao hơn so với thông thường. Tuy nhiên, năm nay thời tiết diễn biến phức tạp, rau xanh tại địa phương mất trắng, người dân thiệt hại nặng. Để gieo trồng vụ mới, nông dân phải chờ nước rút và nguồn đất ổn định”.

Tại các phường Hương Xuân, Hương Chữ, Hương An (TX Hương Trà),… diện tích rau cũng bị mất trắng do ngập úng trên diện rộng. Chị Hà Thị Thu Thu (thôn La Chữ, phường Hương Chữ) nói: “Chưa năm mô rau xanh bị ngập dài ngày như rứa. 10 ngày ni 3 sào xà lách, hành…  bị ngập, coi như mất trắng. Đây là vụ chính, giá cao bởi phục vụ thị trường tết. Bây giờ, đất vẫn còn nhão vì úng nên chưa thể trồng lại vụ mới”.

Ông Ngô Quang Thảo, Chủ tịch UBND phường Hương Xuân cho biết: “Hương Xuân có diện tích 50ha hoa màu các loại, thu nhập 150-200 triệu đồng/năm/ha. Mưa lũ kéo dài làm ngập 35ha, thiệt hại 100%. Vụ đông này lẽ ra người dân đã có rau bán ra thị trường nhưng vì mưa liên tục nên dù xuống giống 3-4 lần nhưng rau không thể sinh trưởng được. Trung bình 1ha bà con thiệt hại trên dưới 30 triệu đồng”.

Tương tự, tại các vùng dọc triền sông Bồ, Ô Lâu của huyện Phong Điền, người trồng rau cũng lâm vào cảnh thất bát, hàng chục ha bị ngập nước dài ngày dẫn đến sản lượng xuất ra thị trường giảm sút đáng kể.

Rau tăng giá, các mặt khác ổn định

Rau xanh khan hiếm khiến giá rau trên thị trường tăng mạnh. Khảo sát ở các ngôi chợ trên địa bàn thời điểm này, giá rau tăng gấp đôi, thậm chí có loại gấp 3 so với ngày thường. Chị Hồ Thị Hậu, tiểu thương chợ đầu mối Bãi Dâu nói: “Hiện, có nhiều loại rau tăng gấp nhiều lần như, rau dền, mồng tơi giá 80 nghìn đồng/kg, rau thơm, quế giá 70 nghìn đồng/kg, rau khoai lang giá 25 nghìn đồng/kg, cải 40-50 nghìn đồng/kg... Thông thường các loại rau đó giá khoảng 20 nghìn đồng/kg. Dù đắt nhưng cũng khan hàng, riêng rau mồng tơi mấy hôm ni không có để bán”.

Sau lũ, giá rau xanh tăng cao

Nguyên nhân dẫn đến việc giá rau tăng mạnh là bởi người trồng rau trong tỉnh chưa thể khôi phục lại sản xuất. Ông Hoàng Vọng, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền cho biết: “Toàn huyện Quảng Điền có 380ha rau xanh các loại, trong đó có 75ha vùng rau chuyên canh. Cứ mỗi ha xuất ra thị trường 15 tấn. Hiện, việc sản xuất của bà con ngưng trệ, cung không đáp ứng cầu nên rau tăng giá mạnh”.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh cho biết: “Sau thời gian giá lợn hơi giảm khiến người nuôi lâm vào cảnh khó khăn gần đây, giá lợn hơi có tăng, từ 38-40 nghìn đồng/kg. Với mức giá này người nuôi đã có lãi”.

Ông Cái Văn Thám, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho rằng: “Mỗi năm  sản lượng sau xanh toàn tỉnh xuất ra thị trường hơn 10 ngàn tấn nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu trong tỉnh nên phải nhập rau từ các vựa rau khác trong cả nước. Rau xanh bị ngập úng, dự báo thời gian tới vẫn còn mưa nên khả năng khôi phục sản xuất của bà con sẽ khó khăn. Các vựa rau lân cận như Đà Nẵng, Quảng Nam… cùng ngập nên nguồn rau bây giờ chủ yếu nhập từ các tỉnh thành phía Nam, phía Bắc”.

Việc rau xanh tăng giá khiến cách tổ chức bữa ăn gia đình của các bà nội trợ ít nhiều ảnh hưởng. Bà Lê Thị Lài (phường Kim Long, TP. Huế) chia sẻ: “Rau là thực phẩm không thể thiếu trong bữa cơm hàng ngày. Nhưng mấy hôm ni, giá tăng mạnh, có loại lên đến gần 100 nghìn đồng/kg khiến những bà nội trợ phải “thắt lưng buộc bụng” khi chọn rau. Ngoài giá đắt, rau giờ cũng khan hiếm ảnh hưởng đến bữa cơm hàng ngày”.

Ngoài rau xanh, giá cả các mặt hàng khác như, gạo, cá, thịt,… vẫn chưa có chuyển biến về giá cả. Tại các ngôi chợ, giá thịt heo giao động từ 80-90 nghìn đồng/kg, thịt bò 250 nghìn đồng/kg, gạo từ 12-19 nghìn đồng/kg... Ông Nguyễn Duy Thành, Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: “Ngoài rau, củ, quả do ảnh hưởng của thời tiết, khiến giá tăng mạnh. Các mặt hàng khác giá cả vẫn ổn định, chưa có tình trạng khan hiếm hàng hay giá cao hơn đột biến so với ngày thường”.

Lê Thọ