Đội thoát nước Bắc sông Hương làm việc tại đường Nguyễn Lâm

Không kể mưa nắng

Chúng tôi đến điểm nạo vét cống rãnh trên đường Nguyễn Lâm, phường Hương Sơ, TP.Huế vào một ngày đầu tháng 12. Trời vẫn tiếp tục mưa sau nhiều ngày. Gần 10 công nhân được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động từ quần, áo, ủng, khẩu trang, mũ … vây quanh 2 miệng cống cách nhau chừng vài chục mét. Mỗi cống một người xuống dưới múc từng xô đất, bùn đưa lên cho những người ở trên chuyền tay nhau đổ vào xe và đẩy ra xuồng chứa bùn. Vừa đón xô bùn từ đồng nghiệp, ông Trần Ngọc Huy, 50 tuổi có gần 30 năm gắn bó với nghề nói qua khẩu trang: “Nghề là mình chọn, biết là nguy hiểm, nhưng chỉ cần tuân thủ mọi nguyên tắc về an toàn lao động thì sẽ an toàn”.

Công việc thông cống phải làm thường xuyên, mùa hè bùn, đất, rác  không trôi được có thể làm tắc nghẽn các hố ga, cửa thoát nước… Chúng đọng lại, tiếp xúc với nước sinh hoạt bẩn từ các hộ dân thải ra tạo mùi hôi thối nồng nặc và biến thành khí độc. Mùa mưa, lá, rác trôi theo dòng nước đến các cửa thu nước của đường ống ở các hố ga thường ứ lại, gây hạn chế dòng chảy… Đó là chưa kể đến những hành động thiếu ý thức của người dân khi đổ rác thải, vật liệu xây dựng đúng vào các điểm thoát nước… Để làm tốt công việc, họ phải trang bị kỹ thuật và biện pháp đảm bảo an toàn lao động. Khi làm việc phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, trước khi xuống cống phải kiểm tra dụng cụ, mở 2, 3 nắp ga liền nhau, tìm cách quạt cho bay khí độc và chỉ được xuống cống khi có đồng nghiệp ở trên. Do đặc thù công việc nên phải chọn người nào khoẻ nhất mới cho xuống cống và cũng chỉ ở được thời gian ngắn, sau đó đổi ca, luân phiên nhau.

Thực hiện tốt công tác bảo hộ lao động

2 đội thoát nước Bắc sông Hương và Nam sông Hương thuộc Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế có nhiệm vụ quản lý và duy trì toàn bộ hệ thống thoát nước hai bờ bắc và nam sông Hương của thành phố Huế. Mỗi đội chỉ có 17 người, nhưng phải chịu trách nhiệm duy tu hơn 200 km cống rãnh.

Khơi thông cống rãnh được xếp vào nhóm nghề đặc biệt độc hại do phải tiếp xúc với nhiều loại khí độc. Những khi gặp tình huống khó khăn, rác thải là vật cứng, họ phải nằm, bò trong nước cống để nạo vét, thông cống. Không chỉ ngấm đủ  mùi bùn, va chạm đủ loại mảnh chai, mảnh sành, đinh sắt mà còn sợ đạp phải bơm kim tiêm đâm thủng cả ủng. Vì thế, trước khi vào công việc, họ luôn trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ lao động, tránh để xảy ra những rủi ro đáng tiếc. Vất vả nhất là phải nạo vét, thông tắc cống tại các khu chợ, bệnh viện, các gara sửa chữa ô tô, những khu vực dân trí thấp không có nhà vệ sinh tự hoại mà xả thẳng ra cống… Vì thế, một số người dù đã trang bị cẩn thận bảo hộ lao động nhưng vẫn mắc các bệnh ngoài da, nấm, hắc lào. Để bảo đảm an toàn cho cán bộ công nhân viên nói chung và công nhân thông cống nói riêng, hàng năm, Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế chú trọng việc trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, kiến thức kỹ thuật và biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động cho công nhân; tổ chức khám sức khỏe định kỳ Nhờ đó, đến nay chưa xảy ra tai nạn lao động hay có người mắc bệnh nghề nghiệp nặng với công nhân thông cống tại công ty.. Ngoài chế độ độc hại cho người lao động theo quy định của Nhà nước, công ty còn tổ chức cho công nhân được tham quan, nghĩ dưỡng trong và ngoài tỉnh hàng năm ưu tiên cấp thêm tiền sữa, tiền ăn giữa ca với mức 30 nghìn đồng/ngày/người đối với công nhân thông cống.

Dù công việc cực nhọc, nhưng những công nhân thông cống làm việc hết sức nghiêm túc và họ cũng rất yêu nghề. Anh Nguyễn Văn Định, 45 tuổi, công nhân thuộc Xí nghiệp thoát nước Bắc sông Hương thổ lộ: “Thời gian đầu mới đi làm tôi cứ nghĩ sẽ không gắn bó với công việc này vì sợ không chịu đựng nổi. Dần dần, không chỉ quen mà công việc như ngấm vào máu, ra đường vào lúc trời mưa mà thấy có điểm ngập là tự tìm cách mở nắp ga, thông cống cho thoát hết nước mới yên tâm”.

Ông Lê Mạnh Hùng, chuyên viên Phòng Kỹ thuật Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế nhận xét: “Thợ thông cống luôn hiểu rõ hệ thống cống địa bàn họ quản lý như lòng bàn tay nên việc xử lý không khó khăn với họ. Họ ý thức được rằng, để hạn chế tối đa úng ngập trên địa bàn thành phố là trách nhiệm của mình nên với công việc, thì không nề hà.

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN