Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ảnh: PressTV

"Chúng tôi biết rằng đây là sự khiêu khích nhằm tiêu diệt quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga", ông Erdogan phát biểu trên sóng truyền hình, sau cuộc điện đàm với người đồng cấp Putin.

Đại sứ Nga Andrey Karlov đã bị bắn chết khi đang có bài diễn văn khai mạc một triển lãm ảnh mang tên "Nước Nga trong mắt người Thổ Nhĩ Kỳ" vào đêm qua.

Sát thủ được xác định là Mevlut Mert Altintas, 22 tuổi, làm cảnh sát chống bạo động Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 3 năm nay. Altintas đã bị "vô hiệu hóa" bởi cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ sau khi ám sát đại sứ Karlov.

Tổng thống Erdogan cũng nói thêm rằng, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đóng vai trò rất quan trọng trong khu vực và rằng, những người nhằm mục đích làm phương hại đến mối quan hệ song phương Nga-Thổ sẽ không bao giờ thành công.

Hồi đầu mùa hè này, Ankara và Moscow đã đồng ý về bình thường hoá quan hệ sau khi quan hệ 2 nước trở nên xấu đi từ vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay phản lực của Nga qua Syria hồi cuối năm ngoái.

Vụ tấn công nhằm phá hoại các mối quan hệ và những nỗ lực hòa bình cho Syria

Song song đó, Tổng thống Putin cũng cho rằng, vụ ám sát là một "sự khiêu khích" nhằm phá hoại mối quan hệ đang dần ấm lên giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như các biện pháp được thực hiện để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria.

"Không có gì nghi ngờ, rõ ràng tội ác này là sự khiêu khích nhằm phá vỡ tiến trình bình thường hóa quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ và phá hoại tiến trình hòa bình ở Syria vốn đang tiến triển dưới sự thúc đẩy của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran", ông Putin nhấn mạnh trong một bài phát biểu trên truyền hình, khẳng định rằng, "Có thể chỉ có một câu trả lời cho điều này, đó là đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố".

Tổng thống Putin cũng cho biết thêm rằng Moscow đã gửi các nhà điều tra đến Ankara để điều tra rõ vụ việc. "Chúng tôi muốn biết ai là người chỉ đạo vụ ám sát này", ông nói.

Phản ứng quốc tề về vụ ám sát đại sứ Nga

Sau khi thông tin được công bố, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã lên án vụ việc như là một "cuộc tấn công khủng bố". "Các thành viên của Hội đồng Bảo an nhắc lại sự cần thiết phải đưa các thủ phạm, tổ chức, hay những đơn vị tài trợ cho vụ tấn công khủng bố này ra trước công lý", Hội đồng 15 thành viên nói trong một tuyên bố.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cũng lên án hành vi "đê hèn" của vụ ám sát đại sứ Nga.

"Chúng tôi đang tham gia vào một vòng xoáy khủng khiếp buộc chúng ta phải chống lại chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức và cần làm việc thông qua đàm phán để tạo tiền đề cho một nền hòa bình lâu dài", ông nói. "Nhân danh nước Pháp, tôi cật lực lên án hành động đê hèn này, và bày tỏ tình đoàn kết không chỉ với Nga mà còn với Thổ Nhĩ Kỳ - đất nước cũng là một nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố".

Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng trong vụ ám sát tại cuộc triển lãm nghệ thuật ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 19/12/2016. Ảnh: PressTV

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Iran cũng lên án mạnh mẽ vụ ám sát đại sứ Nga, gọi đây là hành động "man rợ".

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cũng cho biết ông "sửng sốt trước hành động vô nghĩa này của khủng bố". "Tổng thư ký đang theo dõi chặt chẽ tình huống diễn ra và hi vọng những người bị thương trong vụ tấn công sẽ nhanh chóng hồi phục", phát ngôn viên của Tổng thư ký Ban cho biết.

Mevlut Mert Altintas bị cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ sau khi ám sát Đại sứ Nga Andrey Karlov ngày 19/12/2016. Ảnh: PressTV

Phong trào Gullen phủ nhận có liên quan

Sau cáo buộc của một quan chức an ninh cấp cao giấu tên của Thổ Nhĩ Kỳ rằng, có nhiều "dấu hiệu mạnh mẽ" cho thấy phong trào của giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gullen đứng sau vụ tấn công, phát ngôn viên của giáo sĩ nói với các phóng viên rằng, đó là lời tuyên bố "nực cười" chỉ nhằm che đậy cho sự lỏng lẻo an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ.

"Gullen thẳng thừng lên án hành động ghê tởm này", ông Alp Aslandogan nói.

Tố Quyên (Lược dịch từ PressTV)