Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: việc xử phạt vi phạm hành chính lỗi xe không “chính chủ” chỉ thực hiện qua công tác xác minh khi cá nhân, tổ chức đến cơ quan cảnh sát giao thông (CSGT) thực hiện thủ tục đăng ký, di chuyển xe hoặc trong quá trình điều tra giải quyết các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên.

Theo quy định, CSGT chỉ được kiểm tra xe không “chính chủ” khi phát hiện lỗi vi phạm giao thông

Thủ tục sang tên đơn giản

Sẽ xử phạt nếu không đăng ký sang tên

Theo Điều 30 Nghị định 46, từ ngày 1/1/2017, lực lượng CSGT sẽ phạt từ 100.000 - 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 - 400.000 đồng với tổ chức là chủ môtô, xe gắn máy và các loại xe tương tự không làm thủ tục đăng ký sang tên (chuyển tên chủ xe trong giấy đăng ký xe sang tên mình). Việc này áp dụng cả với diện “được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản”. Tuy nhiên, CSGT không được dừng bất cứ phương tiện nào để kiểm tra với lỗi chưa sang tên đổi chủ mà chỉ được phép kiểm tra các phương tiện khi phát hiện lỗi vi phạm giao thông.

Những ngày trung tuần tháng 12, khi thời hiệu về đăng ký sang tên đổi chủ sắp hết, tại Đội CSGT Công an TP. Huế khá đông người đến liên hệ. Theo Trung tá Đặng Phúc Xuân, Đội trưởng Đội CSGT Công an TP. Huế, công tác đăng ký, sang tên, đổi chủ được đơn giản hóa, các thủ tục cũng được quy định rõ trong Thông tư 15 của Bộ Công an. Theo đó, khi đi đăng ký sang tên xe trong cùng tỉnh, người dân cần mang theo hồ sơ gồm: giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe có cam kết của người đang sử dụng xe, có xác nhận về địa chỉ thường trú của người đang sử dụng xe của công an cấp xã nơi người đó thường trú; chứng từ nộp lệ phí trước bạ xe; chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người bán cuối cùng; giấy chứng nhận đăng ký xe. Trường hợp bị mất giấy chứng nhận đăng ký xe phải trình bày rõ lý do trong giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe...

Cũng theo Trung tá Đặng Phúc Xuân, nhiều người dân lo lắng do xe mua từ lâu, qua nhiều chủ xe nên rất khó tìm được người đứng tên trên giấy tờ xe để làm thủ tục sang tên. Với những trường hợp này, khi đến CSGT sẽ được cấp tờ khai, chủ xe phải cam kết chịu trách nhiệm về tính pháp lý của xe mình đang sử dụng và sẽ được tạo điều kiện để làm thủ tục sang tên. Nếu xảy ra tranh chấp về tính pháp lý của chiếc xe này thì người cam kết phải chịu trách nhiệm. Những tuần cuối tháng 12/2016, trung bình có 50-60 người đến làm thủ tục sang tên, đổi chủ. Tại Phòng CSGT tỉnh và công an các huyện, thị xã, nhiều người cũng quan tâm đi sang tên, đổi chủ để tránh phiền phức.  

Sử dụng chung xe máy không bị xử phạt

Trung tá Phạm Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh cho biết, CSGT chỉ phạt chủ xe không sang tên đổi chủ trong quá trình giải quyết vi phạm giao thông, còn lại không được dừng xe chỉ để kiểm tra việc này. Cụ thể, khi phát hiện lỗi vi phạm giao thông như vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm... hoặc khi giải quyết tai nạn giao thông nếu phát hiện lỗi chưa sang tên đổi chủ thì sẽ xử phạt. “Sẽ có trường hợp xử phạt lỗi không chính chủ đối với người đứng tên giấy tờ chủ xe, có trường hợp xử phạt với người điều khiển xe. Qua quá trình điều tra, xử lý hành chính, khi kiểm tra giấy tờ nếu người chủ xe trên giấy tờ không thực hiện thủ tục sang tên đổi chủ thì người này sẽ bị xử phạt. Nếu trong trường hợp chủ xe đã ký giấy bán xe mà người điều khiển không chịu làm thủ tục thì người này sẽ bị xử phạt”- Trung tá Phạm Anh Tuấn nói.

Về băn khoăn của người dân về xe mượn của bạn, người trong một gia đình sử dụng chung xe thì có bị xử phạt lỗi đi xe không chính chủ không, ông Tuấn cho biết sẽ không xử phạt trong tình huống này. CSGT sẽ không xử phạt người đi xe mượn. Trong một nhà, vợ chồng, con cái đi xe của nhau là hết sức bình thường, chỉ cần cầm theo giấy chứng nhận đăng ký xe là được” - ông Tuấn nói. Việc chứng minh xe là của bố mẹ, anh chị cũng rất đơn giản. Thời gian tới, hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân bằng điện tử đầy đủ thì kiểm tra cũng rất dễ dàng.

Luật sư Võ Công Hạnh, Công ty Luật Công Khánh, Đoàn Luật sư tỉnh: Cần thiết xác lập quyền sở hữu phương tiện 

Mô tô, xe gắn máy là tài sản thuộc trường hợp phải đăng ký quyền sở hữu. Đây là cơ sở pháp lý để Chính phủ ra quy định về việc xử phạt chủ phương tiện liên quan đến hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe khi tham gia giao thông. Việc xử phạt giới hạn trong các hành vi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự mô tô. Nghị định 46 không chỉ ra các hành vi khi nào bị dừng xe, kiểm tra, xử phạt liên quan đến đăng ký ngoài các trường hợp nêu trên như mượn xe, xe dùng chung cho cả gia đình… nên đã gây hoang mang và tạo ra cách hiểu khác nhau về việc xử phạt. Tuy nhiên, các vấn đề thắc mắc trên đã được giải đáp tại Khoản 2, Điều 9, Thông tư 11/2013/TT-BCA.

Việc sang tên chủ phương tiện đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu là quy định bắt buộc, rất cần thiết khi xác lập quyền sở hữu, đi kèm đó là quyền và trách nhiệm đối với tài sản của mình. Việc xử phạt đối với hành vi không sang tên mô tô, xe máy chỉ giới hạn trong một số trường hợp nhất định, cần phổ biến các quy định trên nhằm tránh gây tâm lý hoang mang cho người dân.

THÁI SƠN (ghi)

THÁI BÌNH