Gần 20 năm nay, khảo sát, nghiên cứu thực địa ở các tỉnh miền Trung, chúng tôi đã tiếp cận nhiều văn bản cổ được lưu giữ hàng trăm năm qua tại hòm bộ, các di tích của cộng đồng gia tộc và làng xã, chứa đựng nhiều thông tin quí giá, thậm chí về lịch sử và văn hóa của quốc gia, dân tộc.

Bảo quản tài liệu Hán Nôm ở chùa làng Bác Vọng

Văn bản cổ ở miền Trung, đặc biệt là các văn bản Hán Nôm, được lưu giữ trên nhiều chất liệu khác nhau, như giấy, vải, gỗ, đá…, chứa nhiều thông tin, dữ liệu quý giá về lịch sử, văn hóa của quê hương, dân tộc, cần được gìn giữ, bảo tồn hữu hiệu, làm cơ sở để nghiên cứu, phát huy giá trị truyền thống trong xã hội hiện đại. Đó thực sự là một thư viện đặc biệt, với những hương phả, tộc phả, gia phả, hương ước khoán lệ, sắc phong, địa bộ, các loại văn khế, hoành phi câu đối… Di sản văn hóa đặc biệt quan trọng này chủ yếu thuộc các thiết chế xã hội - tín ngưỡng truyền thống, như đình, chùa, miếu vũ, nhà thờ họ. Trong môi trường văn hóa truyền thống thiêng liêng, không chỉ ở giá trị thông tin tư liệu, đó còn là những bảo vật của gia đình, của cộng đồng, nên được bảo quản một cách nghiêm cẩn.

Đáng lo ngại là, biến đổi khí hậu ngày càng nghiệt ngã, không theo qui luật, vượt khỏi giới hạn tri thức bản địa của người dân. Hơn nữa, điều kiện bảo quản, bảo dưỡng của người dân còn gặp nhiều khó khăn, số người biết chữ Hán Nôm ngày càng hiếm hoi. Tất cả là nguy cơ lớn, thường trực có thể làm nguy hại đến di sản tư liệu này, bởi sự ẩm mốc, mối mọt, hư hại, mất mát... Chính bởi tính thiêng nghiêm ngặt và những khoảng trống trong việc đọc hiểu, bảo quản di sản như vậy mà cộng đồng làng xã, dòng họ không thể dễ dàng cho “người ngoài” tiếp cận được.

Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế đề xuất và đã được phê duyệt dự án xây dựng Trung tâm dữ liệu văn bản cổ miền Trung tại Huế với nhiều thiết bị chuyên dụng và qui trình công nghệ hiện đại. Trung tâm ra đời nhằm thu thập, phục hồi, số hóa, phiên dịch và nghiên cứu, khai thác văn bản Hán Nôm trên địa bàn các tỉnh miền Trung, trên nhiều chất liệu, như giấy, vải, gỗ, đá, kim loại.

Với mục tiêu và nhiệm vụ cấp thiết đó, Trung tâm sẽ trở thành địa chỉ phù hợp, đáng tin cậy để được xã hội trao gửi nhiều di sản quí, đặc biệt là tạo nên cơ sở dữ liệu số về văn bản Hán Nôm cổ miền Trung. Từ đó, Trung tâm có thể đáp ứng nhu cầu phục chế các văn bản có nguy cơ hư hỏng hoặc đã hư hỏng, từng bước hệ thống, số hóa tài liệu cổ để đáp ứng nhu cầu tìm về cội nguồn của người dân lẫn phục vụ công tác nghiên cứu. Trung tâm sẽ đáp ứng nhu cầu bảo tồn, sao chép, bảo quản các văn bản cổ của các gia đình, dòng tộc trong điều kiện khí hậu ẩm mốc, thiết bị bảo quản chưa đảm bảo.

Muốn vậy, Trung tâm phải được đầu tư xây dựng đảm bảo nguồn nhân lực, trang thiết bị hiện đại phù hợp để thực hiện chuỗi qui trình sưu tầm, xử lý, phục hồi, số hóa và phiên dịch. Những hoạt động liên quan có tính bổ trợ, như tham khảo hiện trạng, kinh nghiệm bảo quản từ phía người dân và từ Trung tâm sẽ thiết thực hỗ trợ cộng đồng phát huy vai trò chủ thể trong việc thực hiện các mục tiêu văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, nhất là bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống làng xã và gia tộc. Trung tâm còn cung cấp trang thiết bị và thực hiện - tư vấn chuyên môn về bảo quản văn bản, phục chế, phiên dịch, nghiên cứu để khai thác văn bản, phục vụ cộng đồng xã hội. Nguồn dữ liệu mở được cập nhật thường xuyên, định vị GIS sẽ giúp phác họa nên bản đồ dữ liệu Hán Nôm miền Trung, đảm bảo chức năng tra cứu, tham khảo cho sinh viên, các nhà khoa học, các nhà quản lý, về các vấn đề văn hóa nghệ thuật miền Trung, như gia tộc, làng xã, đời sống tín ngưỡng, lễ hội, phong tục tập quán...

Dự án đầu tư và phát triển Trung tâm được tiến hành qua ba giai đoạn, từ năm 2016 đến năm 2020. Ở giai đoạn 1 (2016 - 2017), tập trung đầu tư trang thiết bị căn bản cho các hoạt động sưu tầm, phục chế, số hóa và bảo quản văn bản cổ. Đến năm 2020, sẽ đầu tư hoàn thiện và vận hành, phát triển Trung tâm một cách đầy đủ, theo đúng mục tiêu đã đặt ra.

Miền Trung chứa đựng nhiều di sản Hán Nôm quí giá nhưng tất cả đều đang trong tình trạng thiếu điều kiện bảo quản và khó có cơ hội phát huy giá trị, với nhiều nguy cơ tiềm tàng. Hy vọng, sự ra đời và vận hành của Trung tâm sẽ đáp ứng nhu cầu sưu tầm, bảo quản, lưu trữ, phiên dịch và nghiên cứu các dạng văn bản cổ của các dòng họ, làng xã ở miền Trung. Qua đó, thiết thực khẳng định và tôn vinh hệ giá trị truyền thống tinh hoa, đồng thời giảm thiểu tác hại tiêu cực trong xã hội hiện nay.

Trần Đình Hằng