Tôi nhớ mãi khi ba tôi còn sống, có lần bị ốm, ông đi bệnh viện khám. Bệnh đông, bác sỹ ít, dĩ nhiên là phải ngồi chờ. Chờ lâu, lại mang bệnh trong người, tâm lý rất mệt mỏi. Trong phòng, có một gã thanh niên trông có vẻ bặm trợn cũng chở người thân đi khám đang cùng ngồi chờ. Gã này mặc kệ người bệnh chung quanh, mặc kệ cái biển cấm hút thuốc to đùng gắn trên tường, cứ rít và phả khói thuốc mù mịt. Ai nhìn gã cũng thấy ớn, không dám nhắc. Nhưng ba tôi thì khác. Đang ốm, mệt, nhưng có lẽ bực không chịu được, ông dõng dạc quát: “Ê, thằng tê, mi có biết chữ không, hả? Không thấy người ta ghi cấm hút thuốc à? Đi ra khỏi cửa mà hút!”. Nghe ba tôi quát, gã giật nảy mình, bước vội ra khỏi phòng, mặt cúi gằm biết lỗi. Thì ra, có khi người ta vi phạm là do xung quanh không có ai bày tỏ thái độ đó thôi. Còn nếu có thái độ thật dứt khoát, như ba tôi vậy, lập tức mọi sự sẽ khác ngay. Người vi phạm thường là số ít và rõ mười mươi là người có lỗi, bao giờ cũng trong tâm lý sợ số đông, sợ lẽ phải. Cho nên, mọi người cần phải vượt qua tâm lý e ngại, cả nể, nhất là khi nó (việc hít phải khói thuốc lá) ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đến cuộc sống của chính mình, người thân mình.

Đã hơn 4 năm kể từ ngày Luật Phòng chống tác hại thuốc lá được ban hành; Nghị định hướng dẫn cũng đã có; tuyên truyền, phổ biến, vận động cũng đã nhiều,... nhưng tình trạng vi phạm, coi thường sức khỏe của người chung quanh vẫn đang diễn ra phổ biến, công khai là điều không thể chấp nhận. Luật là phép nước, mọi công dân đều phải có trách nhiệm tuân thủ. Cần phải giao quyền, giao trách nhiệm cụ thể cho lực lượng thực thi công vụ phát hiện và xử lý nghiêm túc mọi hành vi vi phạm. phải phát động và khơi dậy tinh thần mạnh dạn đấu tranh với bất kỳ ai hút thuốc lá không đúng nơi đúng chỗ, coi thường, xâm hại sức khỏe của người khác. Có như vậy, Luật PCTHTL mới phát huy tác dụng.

Thượng Bích