Nhiều câu hỏi tại sao cho vấn đề này. Đó là sản phẩm du lịch của Huế quá nghèo nàn; sự hiếm hoi của những nơi vui chơi giải trí lành mạnh và lý thú; sự nhàm chán khi tham quan mải những nơi quen thuộc như Đại Nội, lăng tẩm, chùa chiền…

Từ những Festival Nghề truyền thống Huế, các sản phẩm làng nghề đang dần thu hút du khách. Ảnh: Võ Nhân

Gần đây, nhờ có những festival làng nghề, các sản phẩm làng nghề truyền thống đang dần dần được tái tạo lại và bước đầu thu hút được một lượng khách “tiềm năng” đến Huế. Vì vậy, đã đến lúc nên đưa làng nghề Huế trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Tất nhiên, ngoài sự tự vận động của các làng nghề, cần phải có những giải pháp đồng bộ từ phía cơ quan chức năng, các nhà kinh doanh, các công ty lữ hành du lịch.

Để làm được điều này, trước tiên phải xác định hoàn thiện quy hoạch phát triển du lịch của địa phương gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển nghề, làng nghề của tỉnh đã phê duyệt; đồng thời tăng cường quản lý nhà nước để thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, kế hoạch, tránh tình trạng “đầu voi, đuôi chuột” và tư duy “nhiệm kỳ” và đầu tư theo lối “ăn xổi, ở thì”.

Tiếp đến, tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất - kỹ thuật như đường sá, bến thuyền, phương tiện vận chuyển... để giao thông từ TP. Huế về các làng nghề thuận lợi hơn, dễ dàng liên kết giữa các làng nghề trong khu vực. Ví như xây dựng một cầu đường bộ bắc qua sông Hương nối làng Sình với Hương Vinh để việc kết nối giữa các làng quê, làng nghề truyền thống của huyện Phú Vang với thị xã Hương Trà và huyện Quảng Điền (làng rau Thành Trung, đan lát Bao La..) nhanh chóng và thuận lợi hơn. Nếu hình thành, cây cầu này không chỉ có ý nghĩa về kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng, mà nhất định sẽ có nhiều tác động lớn đối với phát triển du lịch của cả tỉnh.

Cho đến nay có rất ít sự hợp tác đầu tư giữa các nhà đầu tư vào kinh doanh du lịch làng quê ở Thừa Thiên Huế. Vì vậy, giải pháp thu hút đầu tư để phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của làng quê Huế là nên tập trung đầu tư vào một số làng nghề trọng điểm, tránh phân tán và dàn trải. Đi kèm với đó là nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch làng quê Huế phù hợp với nhu cầu thị trường khách quốc tế và nội địa; gắn sản phẩm với thị trường, nhất là những thị trường có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày cũng như phải chú ý đến chất lượng, tính đa dạng, tinh xảo các sản phẩm theo hướng “không đụng hàng” để kích thích du khách mua sắm.

Các doanh nghiệp cũng nên tăng cường liên kết để tạo chuỗi sản phẩm du lịch làng quê đạt chuẩn chất lượng. Thiết lập và duy trì sự ràng buộc chặt chẽ về lợi ích, cùng chịu trách nhiệm, cùng chia sẻ rủi ro trong quan hệ với các nhà cung cấp sản phẩm bằng các hợp đồng kinh tế. Gắn du lịch làng quê với du lịch làng nghề, du lịch dã ngoại, du lịch khám phá, tìm hiểu về tri thức bản địa... Sự liên kết này nhằm tạo ra gói sản phẩm du lịch tổng hợp và đồng bộ.

Ngoài ra, các doanh nghiệp lữ hành khi xây dựng chương trình du lịch làng quê cần nghiên cứu kỹ đặc điểm của các địa phương có tài nguyên du lịch; tăng cường mở rộng thị trường và tuyên truyền quảng bá cho các chương trình du lịch nông thôn được xây dựng trên cơ sở bảo đảm quan hệ giữa khai thác và phát triển bền vững tài nguyên, kết hợp phát triển du lịch với phát triển nông thôn, kết hợp yếu tố truyền thống với yếu tố hiện đại.

Với những đề xuất nho nhỏ về sản phẩm du lịch cần được quan tâm và phát huy trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh nhà, hy vọng sẽ làm mới hơn nữa những sản phẩm du lịch hiện có và trong tương lai không xa, góp phần giúp du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn đúng nghĩa của Thừa Thiên Huế.

TH.S NGUYỄN THỊ NGỌC CẨM