Bộ đội biên phòng đồn Hồng Vân đưa phóng viên đến nhà dân tìm hiểu thông tin

Một hôm, đọc bài viết của Hồ Việt, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân (đóng trên xã Hồng Vân, huyện A Lưới), trong đó có thông tin bộ đội biên phòng tuyên truyền pháp luật cho người dân, tôi mừng như bắt được vàng. Bởi, trước đó tôi đăng ký thực hiện đề tài “Tuyên truyền phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số”. Cùng một đồng nghiệp nữ, chúng tôi đến Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, đăng ký nội dung tác nghiệp.

 Cứ ngỡ “người lạ hoắc” sẽ phải chờ đợi, không ngờ trong thời gian rất ngắn, chúng tôi đã được giao tận tay giấy giới thiệu của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, giới thiệu phóng viên Báo Thừa Thiên Huế đến tác nghiệp tại tất cả các đồn biên phòng trên địa bàn huyện A Lưới. Mặt sau giấy giới thiệu, các anh cẩn thận ghi đầy đủ họ tên, số điện thoại của các đồn trưởng, chính trị viên của mỗi đồn, dù Trung tá Trần Văn Tuyển, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh và Thiếu tá Lê Hồng Tuyên, Trưởng ban Tuyên huấn đã gọi cho chỉ huy từng đồn để gửi gắm trước giúp chúng tôi. Biết chúng tôi đi bằng xe máy, các anh cứ “xuýt xoa” vì những chặng đường dài đèo dốc. Anh Tuyên cẩn thận dặn: “Khoảng cách giữa các đồn Hồng Vân, Nhâm, A Đớt khá xa. Đường vào Nhâm rất khó đi. Đặc biệt, đồn Hương Nguyên giáp tỉnh Quảng Nam cách A Lưới những 70 km, các chị nên nhờ mấy anh trên đó đưa đi bằng xe ô tô, chứ phụ nữ chạy xe máy vất vả lắm”. Như là người thân lo lắng cho người thân trong chuyến đi xa lần đầu tiên vậy.

Theo chân Thượng úy Lê Anh Tuấn, Đội trưởng Đội vận động quần chúng đồn Hồng Vân và Trung úy Nguyễn Thanh Bảo, Đội phó, ngược xuôi các xã Hồng Vân, Hồng Thủy, Hồng Trung (địa bàn đồn Hồng Vân quản lý) cả ngày, trừ thời gian ăn cơm, chúng tôi lại “bám riết” tăn măn tỉ mỉ hỏi từ chuyện này qua chuyện khác để “lượm lặt” thông tin, đến tận 10 giờ đêm mới “tạm tha” cho “các nhân vật bị khai thác”. Mệt phờ, nhưng các anh vẫn vui vẻ bảo sẵn sàng hỗ trợ chúng tôi bất kể lúc nào. Cố gắng tiết kiệm thời gian nên ngày hôm sau lúc đến đồn Nhâm, chúng tôi đặt vấn đề với Thượng tá, Chính trị viên Lê Ánh Hồng, nhờ các anh dẫn đi tác nghiệp địa bàn, xong việc xin phép đi thẳng vào đồn A Đớt, không ở lại đêm. Đang tươi cười, anh Hồng xịu mặt “dỗi”: “Vậy thì các chị đi luôn đi”. Chúng tôi ngớ người, không biết mình “mắc lỗi” gì thì anh Chính trị viên “truy vấn” tiếp: “Sao các chị lại “bên nặng bên nhẹ” (ý nói chúng tôi đã ở lại đồn Hồng Vân) . Ít nhất cũng cùng anh em đồn chúng tôi ăn chung bữa cơm, để hiểu thêm về cuộc sống, con người bộ đội biên phòng”.

Nói là nói vậy, nhưng các anh cũng nhiệt tình hỗ trợ tối đa, tiết kiệm thời gian cho chúng tôi. Đích thân Chính trị viên cùng Đội phó Đội vận động quần chúng, Đội trưởng Đội phòng chống ma túy và tội phạm, dẫn chúng tôi về địa bàn tác nghiệp. Bữa cơm tại đồn trưa hôm đó có rất nhiều món cây nhà lá vườn. “Hôm nay mời các chị nếm vị rau bộ đội trồng, cá bộ đội nuôi. Lúc nãy chúng tôi đã bắt cá chép, nhưng các chị sống ở thành phố có thể ít ăn loại cá này nên chúng tôi thả lại. Thay vào đó là cá trắm” - Trung tá, Hoàng Minh Hùng - Đồng trưởng vui vẻ kể. Quả thật, nhiều người dân ở Huế là phật tử nên kiêng ăn cá chép. Trong lòng tôi lúc đó thực sự rất xúc động trước sự tinh tế của các anh. Sống, làm việc trong môi trường quân đội nghiêm khắc, tưởng các anh chỉ chú trọng việc nước, việc lớn, ai ngờ “họ” lại là những con người chu đáo, quan tâm người khác đến từng chi tiết nhỏ. Hôm ở đồn Hồng Vân, thấy tôi loay hoay mãi với miếng thịt gà hơi bị dai, Đại úy, Phó đồn trưởng nghiệp vụ cửa khẩu Nguyễn Hữu Vũ dí dỏm bảo, đó là do anh nuôi bắt nhầm con gà đã sống qua hai đời đồn trưởng. Ai nấy cười òa. Có lẽ, tôi sẽ khó quên những tiếng cười ấy, những tiếng cười mang đến sự nhẹ nhõm, khiến người ta quên đi mọi khó khăn, vất vả, thêm lạc quan, phấn chấn.

Ba chuyến cùng bộ đội biên phòng trên địa bàn A Lưới “lặn lội” qua nhiều xã, điều chúng tôi cảm nhận rõ nhất là tình cảm thương mến, tin yêu của đồng bào dành cho các anh. Không thương mến, tin yêu sao được khi các anh sát cánh cùng dân, xắn tay hướng dẫn bà con làm kinh tế, lắng nghe, trăn trở, chia sẻ, hỗ trợ khi bà con gặp những khó khăn về vật chất, tinh thần. Cũng bởi nỗi thương yêu và trăn trở ấy mà bộ đội biên phòng trở thành cầu nối, phối hợp với chính quyền địa phương, những tấm lòng nhân ái chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh trẻ mồ côi, già yếu neo đơn. Mới đây nhất, ngôi nhà của hai trẻ mồ côi sống cùng ông bà ngoại già ở xã Hồng Thủy đã được sửa chữa chắc chắn. Một học sinh lớp 5 mồ côi cha mẹ, liên tục chảy máu mũi bất thường ở xã Hồng Trung đã được đưa về Bệnh viện Trung ương Huế khám, chữa bệnh...

Bộ đội biên phòng, những chiến sĩ trấn giữ nơi xa xôi để bảo vệ sự bình yên của biên cương, Tổ quốc cứng rắn, can trường mà tình cảm, tinh tế, ấm áp... Nhớ bộ đội biên phòng, bởi các anh rất gần trong tình cảm Nhân dân.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh