Những mô hình mới hiệu quả
Cá nâu được nhiều người biết đến, có giá trị kinh tế cao, chất lượng thịt thơm ngon, được thị trường ưa chuộng. Mỗi kg cá nâu thương phẩm hiện nay có giá trên 200 ngàn đồng. Cá nâu chủ yếu nuôi bằng lồng tại các địa phương vùng đầm phá, ven biển, xen ghép với cua, tôm, cá. Chưa ai nghĩ đến việc nuôi chuyên cá nâu trong ao nước lợ.
Tôm càng xanh thích nghi tốt với biến đổi khí hậu
Bà Nguyễn Thị Thu Giang, Trưởng phòng Kỹ thuật thủy sản - Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh cho biết, tiềm năng nuôi cá nâu trong ao nước lợ trên địa bàn tỉnh tương đối lớn. Sau quá trình nghiên cứu, đầu năm 2016, trung tâm đã triển khai mô hình thí điểm nuôi chuyên cá nâu trong ao nước lợ tại xã Vinh Hà (Phú Vang) với diện tích 2.000m2. Mật độ thả 5-7 con/m2, thức ăn chủ yếu tự chế biến, kết hợp với thức ăn công nghiệp. “Sau 5-6 tháng nuôi, trọng lượng bình quân đạt 300g/con, năng suất đạt 5-6 tấn/ha. Với giá hiện nay từ 150 ngàn đến 250 ngàn đồng/kg, mỗi ha có thể cho thu nhập trên 1 tỷ đồng, lãi khoảng 300-400 triệu đồng”, ông Nguyễn Minh ở xã Vinh Hà nhẩm tính.
Nuôi tôm càng xanh cũng là một hướng đi mới với người dân vùng đầm phá, ven biển, kể cả các vùng bị nhiễm ngọt. Từ tháng 4/2016, TTKN tỉnh triển khai thử nghiệm mô hình nuôi tôm càng xanh trong ao nuôi bị ngọt hoá, tại xã Điền Hải (Phong Điền). Trên diện tích 5.000m2, thả nuôi mật độ 10 con/m2, chỉ sau hơn 5 tháng, tôm cho thu hoạch, tỷ lệ sống đạt 60%, năng suất gần 2 tấn/ha, lãi gần 20 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Thu Giang chia sẻ: “Hiệu quả khá bất ngờ, bởi lần đầu tiên nuôi tôm trong ao bị nhiễm ngọt, người dân chưa có kinh nghiệm. Đây là cơ hội cho nuôi trồng thuỷ sản trong điều kiện biến đổi khí hậu, ao hồ, sông đầm bị ảnh hưởng hiện tượng ngọt hoá”.
Nuôi cua trứng trong ao, từ nguồn giống ươm, được TTKN triển khai tại xã Vinh Xuân (Phú Vang) và xã Hương Phong (TX Hương Trà) với quy mô 0,6 ha/điểm. Mật độ thả nuôi trung bình 1 con/m2, loại cua có kích cỡ 50-60 con/kg. Ông Trần Viết Én, Chủ tịch UBND xã Hương Phong cho biết, sau bốn tháng nuôi, cua đạt trọng lượng trung bình 250-300g/con, tỷ lệ sống 50-60%. Với năng suất bình quân đạt 1,5 tấn/ha, lãi 100-120 triệu đồng (lãi gấp rưỡi so với nuôi cua thông thường), mô hình nuôi cua trứng từ nguồn giống ươm mở ra nhiều triển vọng... Ưu điểm của các mô hình theo đánh giá của người dân, ngoài hiệu quả còn dễ nuôi, không dịch bệnh, sản phẩm dễ bán, giá cả ổn định.
Nhân rộng
Ông Châu Ngọc Phi, Phó Giám đốc TTKN tỉnh cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc triển khai nhân rộng các mô hình là nguồn giống, cũng như kinh phí xây dựng mô hình trình diễn để chuyển giao, tập huấn kỹ thuật sản xuất cho người dân. Tại mỗi huyện, thị xã cần triển khai ít nhất 1-2 mô hình, kinh phí vài trăm triệu đồng/mô hình. Thông qua các mô hình trình diễn sẽ tổ chức cho người dân tham quan và hướng dẫn kỹ thuật tại chỗ.
Cá nâu có giá trị cao, 200 ngàn đồng/kg
Đầu tư sản xuất nguồn giống tại chỗ cũng là điều mà ông Châu Ngọc Phi quan tâm. Lâu nay, nguồn giống cá nâu chủ yếu đánh bắt, thu gom trong tự nhiên ở các cửa biển Thuận An, Tư Hiền và vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Giống tôm càng xanh phải mua từ các tỉnh khác, vận chuyển đường xa nên tôm bị mất sức, chi phí tăng cao. Hay nguồn giống cua trứng hiện nay cũng khan hiếm, ươm nuôi tại chỗ chưa nhiều, chủ yếu mua ở các tỉnh khác. Tỉnh và ngành nông nghiệp cần có chính sách đầu tư, hỗ trợ xây dựng các trung tâm, trại sản xuất giống tại chỗ, đáp ứng nhu cầu nuôi trồng của người dân.
Kinh phí được cấp cho hoạt động khuyến nông lâu nay rất thấp, nên TTKN tỉnh mới chỉ dừng lại việc triển khai mô hình thí điểm tại một số địa phương, không thể nhân rộng. Kinh phí hỗ trợ cho các mô hình cũng chỉ khoảng 50-60%, còn lại người dân phải góp thêm vốn. Lực lượng khuyến nông còn mỏng, chế độ chính sách chưa thoả đáng cũng là hạn chế lớn trong quá trình thí điểm và triển khai nhân rộng các mô hình mới. Kinh phí cho hoạt động khuyến nông cần nâng lên 13-14 tỷ đồng/năm, lực lượng cán bộ khuyến nông các cấp cần khoảng 175 người... Ông Châu Ngọc Phi tự tin: “Chỉ cần có kinh phí, đội ngũ khuyến nông đảm bảo thì việc nhân rộng các mô hình trên địa bàn tỉnh là điều không khó”.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nguyễn Đình Đức cho rằng, nguồn lực kinh phí đầu tư cho hoạt động khuyến nông luôn được tỉnh, ngành nông nghiệp quan tâm, bố trí hằng năm, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Gần đây, ngành nông nghiệp vận dụng, lồng ghép và tranh thủ sự hỗ trợ kinh phí từ các Chương trình Khuyến nông Quốc gia, Chương trình Xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ cho các mô hình thủy sản. Để các mô hình nhân rộng, phát huy hiệu quả, tỉnh và Trung ương cần tăng cường đầu tư nguồn lực nhiều hơn nữa. |
Bài, ảnh: HẢI THẾ