Nói là bán tin bán ngờ cũng bởi lâu nay xung quanh kinh doanh xăng dầu cũng nghe phong phanh lắm chuyện, nhưng rồi đâu lại cứ vào đấy. Đã cố tin nhưng quả thật những gì xảy ra ở bãi xăng dầu Trâu Điên khiến nhiều người phát sốt khi có người và hơn thế cả một tổ chức dám giữa thanh thiên bạch nhật lấy hóa chất độc hại, bột màu pha chế thay thế cho các loại xăng dầu để thu lợi.

“Trâu Điên” xảy ra trong bối cảnh giá xăng dầu cứ vùn vụt tăng khiến dư luận phải đặt lại vấn đề đạo đức trong kinh doanh. Không còn là một khái niệm tưởng như rất xa xỉ, đạo đức kinh doanh đang là một thực tế rất đời thường. Rõ ràng, một doanh nghiệp có đạo đức kinh doanh là một doanh nghiệp không kiếm lời bằng sự lừa dối khách hàng, bằng sự hủy hoại môi trường, hay bằng sự bóc lột người lao động… Sự hủy hoại môi trường rất dễ bị phát hiện bởi người dân và các cơ quan chức năng. Sự bóc lột người lao động cũng dễ bị phanh phui và phản ứng bởi chính người lao động. Còn sự lừa dối khách hàng, phải bị xử lý bằng pháp luật.
 
Chuyện cổ tích “Cái cân thủy ngân” kể về thủ đoạn gian tham, lừa dối khách hàng, đoạt lợi về mình, có kết cục bi thương và sự sám hối rất đời thường của đôi vợ chồng thương nhân hàng trăm năm trước, chưa qua trường lớp đào tạo kinh doanh, nhiều thế hệ người Việt ta đều thuộc và nhớ kỹ như một đạo đức nghề nghiệp cần có ở chốn thương trường. Vậy nhưng, thời nay xem ra cũng chẳng mấy ai đoái hoài đến những giá trị nhân văn ẩn chứa từ sau câu chuyện cổ tích bình dân kia.   
 
Nhiều doanh gia cho rằng, việc kiếm tiền cho doanh nghiệp là một hoạt động hoàn toàn về kinh tế, không liên quan gì đến đạo đức xã hội. Họ thường bào chữa cho các hành xử sai trái trong công việc quản trị hằng ngày bằng một lời phán, “ai cũng làm như thế cả”. Họ quên rằng, thiếu đạo đức và kỷ cương quản trị, doanh nghiệp biến thành một công ty của cơ hội, của chụp giật, của đầu cơ… Mọi thành công sẽ tạm bợ, bạo phát bạo tàn.

Đan Duy