Ăn uống xong mọi người vui vẻ ra về, mấy đứa con gái chúng tôi ở lại làm nhiệm vụ cuối cùng. Khi nhân viên quán đưa hóa đơn tính tiền, tôi lướt nhanh và khá ngạc nhiên bởi số lượng người không mấy, uống cũng không quá nhiều mà lại tính tiền đến 5 két bia. Kiểm tra chỉ thấy có 4 vỏ thùng bia nên tôi yêu cầu nhân viên quán tính tiền lại. “Chúng em tính kỹ rồi, riêng một vỏ thùng bia không có ở đây chắc là nó lạc ở đâu đó”. Nhìn quanh nhìn quất chẳng thấy có cái vỏ thùng bia nào, tôi đề nghị nhân viên kiểm tra chính xác bằng cách đếm vỏ lon bia. Quả có chút băn khoăn khi phải như vậy nhưng nghĩ đúng nên tôi làm. Và thực sự, sau khi đếm hết vỏ lon bia thì y như số lon vừa đủ 4 két bia. Cô nhân viên quán C lúng túng, cúi đầu bỏ đi...

Khi đem câu chuyện này kể, mấy đồng nghiệp nam ngạc nhiên nhưng cũng cho rằng: “chỉ có mấy “bà” thôi, chứ bọn tui họ tính bao nhiêu thì trả tiền bấy nhiêu, thời gian đâu mà tính với toán, với lại toàn nhân viên nữ nếu làm vậy thì mất oai đàn ông”. Đó là suy nghĩ chung của nhiều người, nhất là đàn ông nên có nhiều thực khách đã bị chủ quán, nhân viên nhà hàng tính gian, chặt chém. Ông anh tôi có lần đi ăn sáng với đám bạn ở đường BT, TP. Huế về nhà cứ làu bàu mãi: “gọi 8 tô bún mà sao khi tính tiền họ hô 350 ngàn đồng. Bình thường giá chỉ 30 ngàn đồng/tô. Mà ăn bún chứ quán đó có bán cà phê hay thuốc lá gì nữa đâu”. Một số người bạn khác cũng từng cho biết, khi đi ăn uống với bạn bè ở nhà hàng, biết có sự ăn gian trong việc tính tiền, nhất là tiền bia, nhưng cuối cùng cũng mọi người cũng chặc lưỡi bỏ qua...Đáng buồn là có không ít quán ăn thấy khách lạ vào, nhất là khách giọng Bắc, giọng Nam là vô tư nâng giá các món ăn ngay.

Chúng tôi rất đồng tình với nhiều ý kiến khi cho rằng, nếu phát hiện chủ quán gian lận hoặc “chặt chém” thì khách hàng hãy đừng bao giờ quay lại hàng quán đó; thậm chí khi sự việc nghiêm trọng cần phải báo với cơ quan chức năng để xử lý. Bản thân khách hàng cũng cần chú ý khi vào quán ăn. Đối với những quán lạ, đừng ngại ngần khi hỏi giá cả...

Đan Thanh