Tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Quốc hội Trung Quốc ngày hôm qua (25/12) đã thông qua một đạo luật trong đó sẽ đánh thuế bảo vệ môi trường cụ thể cho từng ngành công nghiệp bắt đầu từ năm 2018, một phần trong những đổi mới để chống cuộc khủng hoảng ô nhiễm của nước này.

Nỗi thức giận đã tăng lên trong nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trước thất bại lặp đi lặp lại của chính phủ trong việc giải quyết tình trạng ô nhiễm đất đai, nguồn nước và không khí, giữa bối cảnh nhiều khu vực ở miền bắc Trung Quốc bị bao phủ trong khói mù nguy hiểm trong những ngày gần đây.

"Thu thuế là một phương tiện kinh tế quan trọng để thúc đẩy bảo vệ môi trường", Bộ Tài chính cho biết trong một tuyên bố.

Các mức thuế suất được áp dụng sẽ là 1,2 nhân dân tệ (0,17 USD) trên một đơn vị ô nhiễm không khí, 1,4 nhân dân tệ cho mỗi đơn vị ô nhiễm nước, 5 nhân dân tệ cho mỗi tấn chất thải từ than và 1.000 nhân dân tệ đối với mỗi tấn "chất thải nguy hại".

Ô nhiễm tiếng ồn công nghiệp cũng sẽ bị áp mức 350 nhân dân tệ mỗi tháng khi vượt quá giới hạn 1-3 decibel, 700 nhân dân tệ cho mức 4-6 decibel và 11.200 nhân dân tệ mỗi tháng cho những nơi vượt quá 16 decibel.

Dự luật mới sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.

Trước đây, Trung Quốc không áp đặt bất kỳ loại thuế môi trường cụ thể nào, và ngân sách thu được mới sẽ thay thế cho hệ thống chi phí linh tinh trước đó vốn được coi là quá thấp để ngăn chặn ô nhiễm.

Các quan chức đã nhiều lần nhấn mạnh rằng chính sách mới không được thiết kế để làm tăng gánh nặng thuế đối với doanh nghiệp. "Mục đích cốt lõi của chính sách này không phải là tăng thuế, mà là để cải thiện hệ thống, và khuyến khích các doanh nghiệp giảm lượng khí thải - họ càng phát ra nhiều khí thải thì họ sẽ phải càng chi trả nhiều, và khi phát thải ít hơn thì khoản tiền họ sẽ phải trả cũng ít hơn", Bộ trưởng môi trường Trung Quốc cho biết.

Các chi tiết của luật mới đã được tranh cãi quyết liệt giữa Bộ Bảo vệ Môi trường, Bộ Tài chính, Cục Thuế Nhà nước và chính quyền địa phương.

Một số nhà nghiên cứu của chính phủ cũng cho rằng, carbon dioxide và các khí nhà kính khác nên được bao gồm trong kế hoạch.

Ông Jia Kang của Bộ Viện Khoa học Tài chính phàn nàn rằng, các đề xuất thuế môi trường quá bảo thủ, với mức thuế suất cho mỗi tấn sulfur dioxide vẫn còn rẻ hơn nhiều so với việc trả tiền cho các thiết bị cần thiết để ngăn chặn nó xâm nhập vào khí quyển.

Theo ông, để tránh tăng gánh nặng thuế đối với các doanh nghiệp, các loại thuế doanh nghiệp khác nên được cắt giảm và thay thế bằng thuế môi trường, theo đó sẽ cung cấp cho cơ quan chức năng là một công cụ mạnh mẽ hơn để buộc một công ty phải cải thiện hiệu suất môi trường của nó.

Tố Quyên (Lược dịch từ Reuters & CNA)