Nước Nga dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin đã trải qua một năm đầy sóng gió với rất nhiều sự kiện có tầm ảnh hưởng đến khu vực và trên toàn thế giới. Ảnh: EPA

1. Cuộc chiến tại Syria

Dù Tổng thống Nga Valdimir Putin hồi tháng 3/2016 từng tuyên bố, chiến dịch can thiệp quân sự của Nga tại Syria - bắt đầu từ tháng 9/2015 - “nhìn chung đã hoàn tất” và Nga cũng đã rút một phần quân đội khỏi Syria, Nga vẫn tiếp tục tham gia vào cuộc chiến tại Syria trong suốt năm 2016.

Sự ủng hộ tích cực của Nga đối với chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã giúp quân Chính phủ Syria giành lại được nhiều khu vực quan trọng từ tay IS và phe đối lập, trong đó nổi bật là việc giải phóng thành phố chiến lược Aleppo. 

Nga cũng đã nổ lực hợp tác với Mỹ và các nước phương Tây khác nhằm tìm gia một giải pháp “có thể chấp nhận được” đối với cả Tổng thống Assad và phe đối lập. 

Ngày 27/2, dưới vai trò trung gian của Moscow và Washington, một lệnh ngừng bắn đã được thông qua và kéo dài trong vài tháng. Tuy nhiên, đến tháng 7, giao tranh lại bùng phát tại Aleppo và kéo dài cho đến cuối năm.

Cả Moscow và Washington đều nỗ lực “hồi sinh” tiến trình hòa bình tại Syria. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã thất bại và giao tranh lại tiếp diễn. Đến cuối năm 2016, quân Chính phủ đã giải phóng được thành phố Aleppo.

Trước đó, hồi tháng 3, dưới sự yểm trợ của Không quân Nga, quân đội Syria đã giành lại được thành phố cổ Palmyra từ tay IS, tuy nhiên, đến tháng 12, các tay súng của tổ chức khủng bố này đã bất ngờ tấn công và chiếm lại Palmyra.

2. Hòa giải với Thổ Nhĩ Kỳ

Quan hệ Nga-Thổ bắt đầu được cải thiện sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan ngày 28/7 lên tiếng xin lỗi Tổng thống Nga Vladimir Putin về vụ tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ cường kích Su-24 của Nga đang hoạt động tại khu vực biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 11/2015.

Nga đã khôi phục lại các chuyến bay thương mại đến Thổ Nhĩ Kỳ và dỡ bỏ một vài lệnh trừng phạt kinh tế mà nước này áp đặt lên Thổ Nhĩ Kỳ sau sự cố nói trên.

Du khách Nga đã quay lại Thổ Nhĩ Kỳ và đến tháng 10, 2 nước đã ký thỏa thuận về việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt thuộc dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”.

Giọng điệu mà Nga dành cho Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã thay đổi nhanh chóng. Từ chỗ cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ “đâm sau  lưng Nga” sau sự cố hồi tháng 11/2015, ông Putin đã gọi Thổ Nhĩ Kỳ là “một quốc gia thân thiện mà Nga có mối quan hệ hợp tác đặc biệt”.

Gần đây nhất, vụ Đại sứ Andrey Karlov bị ám sát tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi giữa tháng 12 cũng không khiến sự “thân thiện” giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bị tác động. 

Cả ông Erdogan và Tổng thống Nga Putin đều lên tiếng khẳng định đây là âm mưu nhằm chia rẽ quan hệ Nga-Thổ và cam kết hợp tác chặt chẽ để điều tra vụ việc này.

3. Vận động viên Nga bị tố sử dụng doping

Ngày 18/7, chỉ chưa đầy một tháng trước khi Olympic mùa Hè Rio de Janeiro khai mạc, Ủy ban Chống Doping Quốc tế (WADA) đã công bố báo cáo về việc các vận động viên Nga sử dụng doping. Báo cáo này của WADA dựa trên những tuyên bố của ông Grigory Rodchenkov - một cựu quan chức phụ trách thể thao của Nga.

Theo báo cáo này, Bộ Thể thao Nga cùng cơ quan tình báo FSB đã tìm cách “ém nhẹm” về một chương trình sử dụng doping trên diện rộng dành cho các vận động viên Nga. Theo đó, các vận động viên Nga đã sử dụng doping tại Olympic mùa Hè London 2012, và Olympic mùa Đông Sochi 2014.

Dù Chính phủ Nga đã lên tiếng bác bỏ báo cáo của WADA nhưng Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) lại cho rằng vụ việc này rất nghiêm trọng và dự định cấm mọi vận động viên Nga tham dự Olympic mùa Hè Rio de Janeiro. Tuy nhiên, sau đó một số vận động viên Nga đã được phép tham dự sự kiện này.

Dù vậy, bê bối này vẫn chưa kết thúc, tháng 12, Cao ủy WADA Richard McLaren lại công bố báo cáo tiếp theo, trong đó cáo buộc hơn 1.000 vận động viên Nga đã tham gia vào bê bối doping nói trên.

Mới đây nhất, trong cuộc họp báo lớn thường niên năm 2016, Tổng thống Nga Putin đã khẳng định, các báo cáo của WADA là một “thủ đoạn chính trị” nhằm vào Nga do phương Tây “đạo diễn”.

4. Quan hệ sóng gió Nga-Mỹ

Trong giai đoạn nửa đầu năm 2016, quan hệ Nga-Mỹ từ chỗ khá yên bình chuyển sang đối đầu nhau gay gắt về vấn đề Syria. Nga cáo buộc Mỹ ủng hộ quân khủng bố trong khi Mỹ lại tuyên bố Nga tấn công thường dân ở Syria. Căng thẳng Nga-Mỹ lên đến cao trào vào tháng 10, khi Tổng thống Nga Putin ra lệnh rút khỏi thỏa thuận giải giáp vũ khí hạt nhân với Mỹ.

Dù vậy, chiến thắng có phần bất ngờ của ứng viên Tổng thống Donald Trump đã giúp quan hệ Nga-Mỹ được cải thiện. Trong rất nhiều cuộc vận động tranh cử của mình, ông Trump đã nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ Nga-Mỹ. Ông Trump cũng nhiều lần công khai bày tỏ sự tôn trọng đối với Tổng thống Nga Putin và gọi ông Putin là “một nhà lãnh đạo mạnh mẽ”. 

Đáp lại, chính quyền của Tổng thống Obama và Đảng Dân chủ liên tục cáo buộc Nga đứng sau can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ theo hướng có lợi cho ông Trump. Tuy nhiên, các quan chức Nga đã bác bỏ cáo buộc này.

5. Bộ trưởng Kinh tế Nga bị bắt vì tham nhũng

Trong nhiều năm qua, nhiều thị trưởng, thống đốc và thứ trưởng của Nga từng bị bắt vì tham nhũng, nhưng trong năm 2016, lần đầu tiên một bộ trưởng đương nhiệm bị bắt vì cáo buộc này.

Ngày 14/11, Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Ulyukaev đã bị bắt vì tình nghi nhận 2 triệu USD tiền đút lót công ty dầu mỏ Bashneft. Hiện ông Ulyukaev đang chờ bị đưa ra xét xử và không được tiếp cận với giới truyền thông. Cho đến này, ông Ulyukaev vẫn tuyên bố mình vô tội./.

Theo VOV