Với mỗi cán bộ, đảng viên, Người khẳng định: “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong đảng sẽ không có bệnh mà đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng”.

Như vậy, có thể nói phê bình và tự phê bình có vị trí rất quan trọng trong quá trình xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Đặc biệt, trong điều kiện một đảng cầm quyền như Đảng ta, muốn Đảng ta “vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” thì Đảng phải thật sự trong sạch, thường xuyên thực hiện phê bình và tự phê bình phải coi phê bình và tự phê bình là quy luật tồn tại, phát triển của Đảng.

Tuy nhiên, trong thực tế không phải ai cũng hiểu rõ, hiểu đầy đủ, cặn kẽ, biện chứng của phê bình và tự phê bình. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình. Tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình. Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau. Mục đích là cho mọi người học lẫn ưu điểm của nhau và giúp nhau chữa những khuyết điểm”.

Rõ ràng việc phải làm cho mọi cán bộ và đảng viên nhận thức rõ phê bình và tự phê bình là nhằm xây dựng tổ chức, xây dựng con người, nâng cao năng lực lãnh đạo một cách toàn diện và sức chiến đấu của Đảng, để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị mà nhân dân, dân tộc giao cho. Do vậy, khi nói thêm về tự phê bình và phê bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy:

“Tự phê bình là cá nhân (cơ quan hoặc đoàn thể) thật thà nhận khuyết điểm của mình để sửa chữa, để người khác giúp mình sửa chữa, mà cũng để người khác biết để mà tránh những khuyết điểm mình đã phạm. Còn phê bình là thấy ai (cá nhân, cơ quan, đoàn thể) có khuyết điểm thì thành khẩn nói cho họ biết để họ sửa chữa, để họ tiến bộ”.

Trong phê bình và tự phê bình mục đích là giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm; phải thật tự đề cao dân chủ trong Đảng và có thái độ khách quan, trung thực, vô tư, nêu cao ý thức trách nhiệm đối với toàn Đảng, tình thương yêu đối với đồng chí, đồng đội, Bác viết:

“Mục đích tự phê bình và phê bình đều nhằm giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, cùng nhau tiến bộ.

…Dưới chế độ dân chủ, thì mọi người, trước hết là mọi cán bộ, mọi cơ quan và đoàn thể cần phải thật thà tự phê bình và hoan nghênh người khác phê bình; có như vậy mới tiến bộ được”.

Nói về thái độ, tính chất, phương pháp của phê bình và tự phê bình; Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ:

“Phê bình là cốt để giúp nhau tiến bộ, cho nên phê bình phải có thái độ thành khẩn, tính chất xây dựng. Không nên phê bình ẩu, phê bình suông. Khi phê bình cần phải xét nguyên nhân của khuyết điểm, phải cân nhắc đến ưu điểm, phải đề ra cách sửa chữa. Thí dụ: Nhân dân ta mạnh dạn phê bình, đó là một điều rất tốt. Thế là dân chủ thật sự...”

Việc tự phê bình và phê bình phải làm từ trên xuống, cấp trên và cán bộ chủ trì, chỉ huy và lãnh đạo cần phải tự phê bình và phê bình trước với thái độ nghiêm túc, trung thực, đúng mức và chân thành tiếp thu ý kiến phê bình, góp ý của cấp dưới. Tích cực động viên, hướng dẫn và tổ chức cho quần chúng tham gia phê bình tổ chức Đảng và đảng viên nhằm góp phần xây dựng Đảng, củng cố mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng. Đồng thời, phải thực hiện phê bình từ dưới lên, có như vậy cấp trên mới hiểu rõ cấp dưới và cấp dưới cũng mới hiểu rõ cấp trên để cùng sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, cùng tiến bộ. Nói về mối quan hệ này, Bác Hồ chỉ rõ:

“Đảng và Chính phủ ta rất sẵn sàng nhận những lời phê bình của nhân dân và có quyết tâm sửa chữa. Cho nên khi phê bình, chúng ta cần phê bình một cách thiết thực và đề nghị phương pháp sửa chữa hợp lý. Phê bình và giúp đỡ sửa chữa khuyết điểm, đó là quyền lợi và nghĩa vụ dân chủ của nhân dân ta. Chỉ có Đảng chân chính, cách mạng và chính quyền thật dân chủ mới dám mạnh dạn phê bình, hoan nghênh phê bình, và kiên quyết sửa chữa. Do tự phê bình và phê bình, nhất là phê bình từ trên xuống - dưới lên mà chúng ta đoàn kết càng chặt chẽ, càng đồng tâm nhất trí, càng tiến bộ không ngừng, càng chắc thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.”.

Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa X) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Trong 3 vấn đề cấp bách trọng tâm và các nhóm giải pháp cụ thể, thì việc đề cao tự phê bình và phê bình là vấn đề then chốt có ý nghĩa quan trọng. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tự phê bình và phê bình, tiếp tục học tập, tu dưỡng, rèn luyện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để góp phần xây dựng Đảng ta trong sạch vững mạnh, “xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Bùi Văn Hiền