Ra khơi mùa biển động. Ảnh: Lê Tấn Thanh

Đi biển mùa đông, ngư dân miền biển thường dựa vào “con trăng, con nước” để đánh bắt cá và kinh nghiệm để tránh những ngày biển động. Kinh nghiệm nhìn trời, nhìn trăng sao, đôi khi con người cũng dự đoán không chính xác. Trải qua nhiều đời, kinh nghiệm được truyền lại là dựa vào các sinh vật biển. Người ta thường nhìn con sao biển, nếu sao đóng kết thành từng mảng lớn như chiếc thúng thì phải vào bờ ngay vì đó là dấu hiệu biển động mạnh. Đôi khi vì theo con cá, con mực mà nhiều người cũng liều mình.

Giữa nguy nan, sóng to gió lớn, có một loài cá được xem là vị thần, là ân nhân cứu mạng con người là cá Voi hay còn gọi cá Ông. Vì thế khi cá Voi lụy  (chết) dạt vào bờ ở địa phận làng nào là làng ấy chôn cất và xem đó như là điềm lành. Miếu thờ gọi là miếu Ông thường được xây theo hướng trở mặt nhìn ra biển.

Có làng như làng Mỹ Lợi (Vinh Mỹ - Phú Lộc) còn tổ chức lễ chôn cá Voi như lễ an táng con người. Người đầu tiên nhìn thấy cá Voi chết sẽ được làng cử làm trưởng nam, mặc đồ tang làm lễ cúng. Ba ngày cũng có lễ cúng mở cửa mả. Đó là sự tri ân không nói hết thành lời của con người. Người miền biển ở đây còn tin rằng khi con trẻ mọc răng hay quấy khóc, đến miếu Ông thắp nhang khấn nguyện, sờ vào xương cá voi là con em sẽ có sức khỏe tốt.

Người ta thường gọi người miền biển là dân “ăn sóng nói gió”. Được trò chuyện cùng họ mới thấy họ chân chất, mặn mà tấm lòng như vị muối vậy. Chỉ cần nói về nghề là họ say sưa, từ kinh nghiệm câu mực, đánh cá cho đến chuyện thoát chết như thế nào giữa biển khơi khi gặp sóng to, gió lớn. Đó là những câu chuyện gắn bó, chia sẻ cùng nhau “đàn ông đi biển có đôi”. Cái tình làm con người không cảm thấy cô đơn, để con người thấy mặt biển cũng vững chắc như đất liền. Và họ đã sống như thế trọn tình, trọn nghĩa với nhau. Tình trên mặt biển trọn tình trên đất liền.

Bữa cơm ngày đông ở một làng biển, ấm áp những chuyện vui buồn. Những con cá cơm khô như còn cấ t riêng màu biển. Những ngư dân đã có 50-60 năm gắn bó với biển, nhìn sâu vào mắt họ, rõ ràng là có màu biển, màu của những ngày biển đẹp, thuyền về nặng cá, tôm. Và có cả hình những con sóng, những con sóng làm nên đời người miền biển: mạnh mẽ, chân thật, bao dung và hào sảng. “Biển đang mùa khó khăn nhưng chúng tôi tin rồi biển sẽ bình yên!”, lời của ông Tấn khi chia tay làm chúng tôi nhìn thấy biển cười trong mắt ông.

Xuân An