Anh bị hại là bạn bè với bị cáo nên bị cáo và bị hại có quen biết. Tối hôm đó, sau khi dự sinh nhật người quen về và đã uống rất nhiều bia, bị cáo lại “bị” nhóm bạn rủ vào quán nhậu, uống tiếp. Khoảng 11 giờ đêm, bị hại đi chơi về, bị cáo nhìn thấy nên rủ vào ngồi chơi chung. 12 giờ đêm, bị hại ra về. Bị cáo cũng đứng dậy đi theo, có hành vi bậy bạ. Bị hại phản ứng, bỏ chạy. Vậy nhưng, bị cáo vẫn không tha, đuổi theo dọa giết. Bị cáo kéo bị hại đến bãi đất trống định giở trò đồi bại. Cô gái vùng vẫy, la lớn. Bố mẹ nạn nhân và người dân quanh đó nghe tiếng kịp thời chạy đến. Bị cáo bỏ chạy. Gia đình cô gái trình báo sự việc đến cơ quan công an.
Mỗi lời khai của bị cáo dường như là một vết roi đau đớn quất vào người phụ nữ trẻ (đang ôm trong lòng đứa con trai 3 tuổi), khiến chị mỗi lúc mỗi co rúm lại. Đó là vợ, con của bị cáo. Khi bị cáo cho rằng do uống nhiều bia rượu quá nên không làm chủ được hành vi, vị hội thẩm nhân dân phân tích, bị cáo đã gần 30 tuổi, đã làm chồng, làm cha, là trụ cột của gia đình. Bị cáo buộc phải ý thức về trách nhiệm của mình đối với bản thân, gia đình và xã hội, buộc phải chấp hành pháp luật. Không thể “vin” vào bia rượu để làm càn. Mặt khác, phạm tội do có tác động của bia rượu không phải là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà trái lại. “Bị cáo có biết, ngoài đời người ta gọi những người như bị cáo là gì không? Người ta gọi một cách ghê tởm là “yêu râu xanh”. Bị cáo chỉ vì thỏa mãn một chút đó thôi, nhưng bị hại bị ám ảnh suốt cả đời…”-vị hội thẩm nghiêm khắc. Dù gia đình bị hại không ai đến, nhưng bị cáo vẫn nói lời xin lỗi.
Vợ bị cáo đứng dậy đi như chạy trốn ra ngoài hành lang. Chị ngại ngùng tâm sự, sau khi sự việc xảy ra, chị giận chồng lắm. Chồng bị bắt tạm giam, rồi thế nào cũng bị tòa xử, bị đi tù. Vừa giận vừa hoang mang, lo sợ. Những lần tay xách nách mang đi thăm, thấy chồng hốc hác, mặt lúc nào cũng cui cúi vẻ ân hận, chị chạnh lòng thương. Dù sao sự việc cũng đã lỡ rồi, không thể làm gì khác hơn. Chị không nói, nhưng ánh mắt chênh vênh, gương mặt bơ phờ hốc hác “nói” lên nỗi lo, đến một ngày chồng chị sẽ thi hành xong hình phạt, ra khỏi trại giam. Nhưng không biết đến bao giờ mới gột được tiếng xấu, sau này còn ảnh hưởng đến con cái.
Dường như cùng tâm trạng với con dâu, cha bị cáo cũng ngồi cúi mặt, ủ rủ. Đến lúc nghe tuyên bố phiên tòa tạm nghỉ để hội đồng xét xử nghị án, ông hơi giật mình. Ông nghĩ bị cáo là con trai ông nên thể nào tòa cũng gọi ông để hỏi. Lúc đó thể nào ông cũng xin phép cho nó được đến bệnh viện gặp mẹ. Vợ ông vốn đau ốm quanh năm. Lúc còn “ở ngoài”, con trai cũng thương mẹ lắm, thường mua đồ ăn thức uống cho bà. Cách đây chừng tháng, bệnh vợ ông phát nặng, bệnh viện “trả”. Ông một hai còn nước còn tát. Vợ ông hễ mê thì thôi, lúc tỉnh lại hướng ánh mắt trông ngóng ra phía cửa, thều thào hỏi sao con trai không đến thăm mẹ... Ông không liên quan đến vụ án, không được triệu tập tham gia tố tụng mà chỉ đến tòa “xem” xét xử, như những người dự khán khác.
Sau khi tòa tuyên án, líu ríu tiễn bị cáo lên xe tù xong, cha, vợ, các chị của bị cáo gọi nhau, lật đật đến bệnh viện. Ở đó, người mẹ tội nghiệp vẫn đang ngóng đứa con trai. Có lẽ, bà đang ráng chút sức tàn, cố chờ mà đâu biết rằng có thể chẳng bao giờ mẹ con còn một lần gặp mặt. Câu chuyện sẽ chẳng đắng như vậy, nếu như bị cáo không buông thả mình vào men bia rượu, dẫn đến hành vi sai lầm.
QUỲNH ANH