Người dân đồng thuận
Những ngày này, đến với huyện miền núi Nam Đông, đâu đâu cũng dấy lên phong trào thi đua xây dựng NTM, đặc biệt là phong trào hiến đất, hiến cây xây dựng đường giao thông nông thôn. Để đạt được sự đồng thuận, nhất trí cao như thế, là cả một quá trình tuyên truyền, vận động. Hàng trăm cây ăn quả, rau màu các loại, đặc biệt là hơn 200 cây cao su đang chuẩn bị khai thác được bà con ở xã Thượng Nhật tự nguyện chặt bỏ trong niềm vui chờ đón một con đường mới được mở ra. Không chỉ hiến cây, người dân còn tình nguyện hiến hàng ngàn m2 đất, ước tổng trị giá hàng trăm triệu đồng. Ông Hồ Trú, người dân xã Thượng Nhật tâm sự: “Mặc dù mất nhiều cây cao su, nhưng chủ trương của Đảng và Nhà nước mở đường NTM, tôi và gia đình tán thành, ủng hộ để mọi người thuận lợi hơn trong việc phát triển kinh tế sau này.”
Người dân tự tay chặt bỏ cây trồng, hiến đất làm đường giao thông |
Xã Thượng Nhật có 93% đồng bào Kơ tu, được tỉnh chọn làm điểm để xây dựng chương trình NTM. So với các địa phương khác, Thượng Nhật có xuất phát điểm thấp, hiện mới chỉ đạt 10/19 tiêu chí và dự kiến đến cuối năm nay sẽ đạt thêm 4 tiêu chí NTM. Để đạt được điều đó, việc phát huy nội lực mà chủ thể là nhân dân là điều cốt yếu. Trong đó không thể không nhắc đến vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng. Cùng với chính quyền địa phương, họ đã trực tiếp tuyên truyền vận động, kêu gọi bà con nhân dân đóng góp công sức, tiền của để xây dựng nhiều công trình phục vụ dân sinh, cùng nhau thi đua, xây dựng NTM.
Già làng Trần Xuân Huy, thôn La Vân, xã Thượng Nhật nói: “Xây dựng NTM phải mở đường dân sinh, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận tiện; nên khi chúng tôi vận động nhân dân hưởng ứng tích cực và đồng thuận cao.
Phát huy tính tiên phong, gương mẫu
Ông Trần Xuân Bình, TUV, Bí thư Huyện ủy Nam Đông khẳng định: “Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, huyện lần thứ XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình hưởng ứng. Có được kết quả đó là nhờ sự đóng góp tích cực của các đồng chí già làng, trưởng bản, người có uy tín. Đặc biệt là huyện đã phát huy được vai trò của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt qua các thời kỳ hiện nay nghỉ hưu ở địa phương. Đây chính là lực lượng đóng góp, hỗ trợ rất lớn trong công tác tuyên truyền vận động, giải thích cho dân hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương”.
Trong lộ trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh đến năm 2015 toàn tỉnh sẽ có 30% số xã đạt chuẩn. Riêng huyện Nam Đông, phấn đấu 80% (8/10) xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã đạt vào năm 2013, 2 xã vào năm 2014 và 4 xã vào năm 2015. Trước mắt, huyện chỉ đạo các xã chú trọng các tiêu chí thuộc trách nhiệm nhân dân, trong đó xóa nhà tạm được ưu tiên hàng đầu và tiếp tục xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư… Chú trọng đến vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng. Chính lực lượng này đã và đang có sức lan tỏa, ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng dân cư trong mọi việc làm, họ thật sự là chỗ dựa, niềm tin cho cộng đồng dân cư trong phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần của người dân địa phương, đặc biệt xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Tiến Dũng