Loài vông đồng được xếp trong chi thực vật Hura, lại có quả nang khi khô kiệt nứt ra thành nhiều mảnh, tạo thành những tiếng nổ lách tách. Từ đó nó mang tên khoa học là Hura crepitans (crepitans có nghĩa là nổ lách tách). Ở Huế, ai đã nhiều lần đến Kim Long, ắt sẽ từng nghe địa danh "xóm cây vông đồng". Đó là xóm nhỏ kề cận vườn An Hiên, nay là đường Nguyễn Phúc Chu. Ngày trước, ở đầu xóm này, phía bờ sông Hương có một cây vông đồng cổ thụ, dưới nó là một quán nước. Người dân Kim Long thường dùng nó như một vật chỉ thị để xác định địa điểm và hướng dẫn cho khách qua đường. Do bão dữ, cây này đã đổ đi hơn cả chục năm nay rồi.
Nhiều địa phương Nam Bắc gọi cây vông đồng bằng nhiều tên khác nhau. Trong đó, có những tên không gây nhầm lẫn như "ba đậu tây" (ở Nam bộ), nhưng cũng lắm trường hợp một vài tên gọi khiến người nghe hiểu nhầm qua một cây khác. Có nơi gọi nó là ngô đồng, gây nhầm lẫn với cây ngô đồng trong họ Trôm, cây có tên tuổi gắn liền với nhiều thơ phú cổ - cây mà sử tích đã ghi rằng, chính Vua Minh Mạng đã đưa hai cây từ Trung Quốc về trồng ở điện Cần Chánh. Mặc dù hai cây ấy nay không còn nữa, nhưng con cháu của nó vẫn đơm hoa kết trái hằng năm, mà đặc trưng nhất là cứ vào độ cuối xuân, mỗi cây đều mang cả một vòm hoa đực sắc tím phớt hồng, điểm tô cho một góc không gian sân Tả Vu - Hữu Vu và mặt sau điện Thái Hòa ở trong Đại Nội; hay ở công viên Thương Bạc, công viên Tứ Tượng. Có lẽ với cách gọi này đã khiến cho hàng hàng, lớp lớp cây vông đồng có cơ hội tỏa bóng trên nhiều đường phố ở thành phố Vinh. Ngược lại, có người dùng tên vông đồng để chỉ cây vông nem - loài cây thường được trồng trong vườn cho trầu, tiêu leo, thuộc họ Đậu, lá kép 3 lá chét, lá được dùng làm thuốc an thần, nấu nước uống hoặc nấu canh ăn ngủ ngon, ngày xưa người Huế thường dùng nó để gói nem chua nên đã có tên như vậy.
Cây vông đồng
Thật ra, vông đồng thuộc họ Thầu dầu - Euphorbiaceae, chẳng quan hệ họ hàng gì với vông nem và ngô đồng. Cây vông đồng không cho hoa đỏ sặc sỡ như vông nem, hay tím phớt hồng lãng mạn như ngô đồng. Nó chỉ có ưu thế về mặt sinh trưởng, dễ tính, mọc được ở bất kỳ loại đất gì, chóng lớn, tỏa cành rộng, tạo bóng tốt. Do đặc điểm này, ở nhiều làng quê, người ta thường chọn một bãi đất trống đầu làng, ngoài đồng ruộng để trồng một đôi cây. Với khả năng tỏa bóng mạnh, chúng sẽ là nơi dừng chân lý tưởng cho người qua đường, cho nông dân nghỉ giải lao trong thời gian xuống vụ, chăm sóc ruộng lúa và vào thời điểm thu hoạch. Những bữa ăn lỡ giữa buổi chiều dưới gốc cây vông đồng mát rượi sẽ giúp những người làm đồng xua tan bớt nỗi mệt nhọc, lấy lại sức cho những công việc đồng áng cuối ngày. Chú trâu cày sau một buổi sáng hì hục nặng nhọc, được buột vào gốc cây vông đồng giữa trưa hè oi bức ắt hẳn rất sảng khoái, nằm trải dài người ra, lim dim đôi mắt rồi ngủ đi một lát. Cũng có thể tên "vông đồng" bắt nguồn từ đó, nhằm phân biệt với vông nem, là cây thường được trồng trong vườn nhà.
Theo tiêu chuẩn quản lý cây xanh đô thị hiện hành, vông đồng thuộc nhóm cây không được trồng trên vỉa hè đường phố. Bởi lẽ, thân nó nhiều gai, cành nhánh rườm rà, nặng nề, thân cành lại xốp, rất dễ gãy đổ khi gặp gió lớn. Tuy thế, hiện nay trong thành phố Huế chúng ta vẫn còn một số cây vông đồng cổ thụ nằm rải rác đây đó, có thể đổ ngã bất cứ lúc nào; thậm chí vài nơi, người dân đang tự trồng thêm hoặc cây mọc tự nhiên không ai kiểm soát.
Đỗ Xuân Cẩm