Tư vấn sức khỏe sinh sản tại Trạm Y tế phường Đúc, TP. Huế

Triển khai từ năm 2011, mô hình “Xã, phường, cụm dân cư không có người sinh con thứ 3 trở lên” được tuyên truyền thực hiện với nhiều hình thức phong phú, như lồng ghép với các đợt tuyên truyền chiến dịch truyền thông dân số, các buổi tư vấn cộng đồng, các buổi họp dân, sinh hoạt của câu lạc bộ các đoàn thể như “5 không 3 sạch” của Hội Liên hiệp Phụ nữ, Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, mô hình cụm dân cư “4 không”… Ở các xã và huyện, việc tuyên truyền xây dựng mô hình được triển khai trên hệ thống truyền thanh, truyền hình. Ngoài ra, việc đưa nội dung không sinh con thứ 3 trở lên, không tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào hương ước, quy ước khi thôn, bản đăng ký xây dựng đơn vị văn hóa, người dân từ đó có ý thức tự giác, bảo ban nhau và chính họ cũng là người giám sát việc thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ), ở địa phương. Một số huyện, thị đạt kết quả cao trong việc bổ sung chính sách DS - KHHGĐ như huyện Phú Lộc (100%), thị xã Hương Thủy (91%), huyện A Lưới (99%)… Tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên trên toàn tỉnh năm 2012 là 13,0 %, đến năm 2016 còn 12,9%. năm 2016, có 2 cụm dân cư được khen thưởng trong 5 năm (2012 – 2016) và 20 cụm dân cư được khen thưởng trong 3 năm.

Phường Đúc là một trong hai phường trên địa bàn tỉnh có tổ dân phố trong 5 năm không có người sinh con thứ ba trở lên vào đợt tổng kết năm 2016. Chị Nguyễn Thị Dung, cán bộ chuyên trách dân số phường Đúc cho hay: “Trước đây, công tác dân số nhắm vào kế hoạch hóa gia đình là chủ yếu, hiện tại khi đã đạt được mức sinh thay thế, chúng tôi làm công tác tuyên truyền để nâng cao chất lượng dân số”. Tại phường Đúc, trong 5 năm qua phường đã triển khai đăng ký 16/16 tổ dân phố ký cam kết không sinh con thứ ba trở lên, đạt 100% với 1.602 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ký cam kết.

Gia đình anh Lê Văn Thái, chị Hồ Thị Nhỏ (tổ 6, phường Đúc), vợ chồng kinh doanh, có một con gái hơn hai tuổi nhưng anh chị cho biết không có ý định sinh thêm. Anh Thái chia sẻ: “Kinh tế gia đình tôi chỉ ở mức trung bình, muốn nuôi dạy con bằng những điều kiện tốt nhất, vợ chồng tôi quyết định không sinh thêm”.

Không chỉ trên địa bàn thành phố, ở các huyện thị, mô hình “Xã, phường, cụm dân cư không có người sinh con thứ 3 trở lên” cũng được triển khai và hoạt động tích cực. Điển hình như xã Phú Hồ, huyện Phú Vang là một trong những đơn vị làm tốt công tác này. Chị Dương Thị Lan, Chuyên trách DS - KHHGĐ xã Phú Hồ, cho hay: “Việc triển khai mô hình đã đem lại những hiệu quả tích cực. Năm 2013, tỷ lệ sinh con thứ 3 của xã là 21,62%, đến năm 2016 giảm còn 16,4%”. xã đã thực hiện tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình thông qua nhiều kênh, như: phát thanh; tuyên truyền ở các đoàn thể, các câu lạc bộ. Ngoài Hội liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, đội ngũ cộng tác viên dân số xã còn tuyên truyền ở câu lạc bộ Người cao tuổi, qua đó các cụ sẽ đưa hiểu biết của mình về răn dạy con cháu. Khác với truyền thống trước đây chỉ tuyên truyền cho phụ nữ, từ năm 2015, xã thành lập câu lạc bộ “Nam nông dân không có người sinh con thứ 3”, tuyên truyền trực tiếp tới những người chồng trong gia đình.

Chị Đinh Thị Ngọc Lan, nữ hộ sinh Trạm Y tế xã Phú Hồ, chồng làm nghề kinh doanh, hiện có hai con gái tâm sự, vợ chồng đồng thuận không sinh thêm con. “Bây giờ các bậc cha mẹ, họ hàng hai bên tư tưởng rất tiến bộ, chẳng ai thúc ép phải có con trai nối dõi như ngày xưa. Chồng tôi bảo, con nào cũng là con, có hai đứa là mừng rồi, ráng nuôi dạy con tốt nữa thôi”, chị nói.

So với mặt bằng chung của tỉnh cũng như các huyện, thị xã, thành phố thì tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên ở các cụm đăng ký mô hình (12,9%) thấp hơn so với tỷ lệ chung (14,7%) (số liệu năm 2016). Điều này chứng tỏ hiệu quả của việc xây dựng mô hình đối với việc giảm nhanh tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn. Mô hình “Xã, phường, cụm dân cư không có người sinh con thứ 3 trở lên” trên địa bàn toàn tỉnh tiếp tục được triển khai trong giai đoạn 2016 – 2010.

Bài, ảnh: Phước Ly