Cảnh sát Indonesia được triển khai trong dịp Giáng sinh và năm mới ở thủ đô Jakarta. Ảnh: Reuters
Hãng tin CNA ngày 28/12 dẫn lời các chuyên gia nhận định, hàng trăm phiến quân từ nước ngoài đã trở về Indonesia, Malaysia và Philippines, nhưng chỉ có một số ít được xác định.
Trong khi đó, theo các nhà chức trách Malaysia, hơn 100 người Malaysia gia nhập IS ở Syria kể từ năm 2013. Khoảng 20 trong số đó bị tiêu diệt và ít nhất 50 phiến quân khác muốn trở về nhưng không thể bởi các lý do liên quan đến hộ chiếu.
Malaysia vừa thông qua những đạo luật an ninh chặt chẽ nhằm đối phó với tình hình chống khủng bố mới. Nước này cũng đang tăng cường chia sẻ thông tin tình báo với các quốc gia trong khu vực như Philippines, để giải quyết các vụ bắt cóc đòi tiền chuộc do nhóm Abu Sayyaf cam kết trung thành với IS thực hiện.
Jakarta cũng đang cố gắng thắt chặt pháp luật và tăng thêm quyền lực cho các cơ quan an ninh nhằm đối phó với những kẻ khủng bố.
Tất cả đang đặt ra một thách thức cho các Chính phủ Đông Nam Á. Để chống lại chủ nghĩa khủng bố, họ phải thực hiện việc giám sát mạnh mẽ và áp dụng luật pháp hiệu quả, quan trọng hơn là những chính sách để thực sự giải quyết và đối phó với vấn đề này.
LÊ THẢO (Lược dịch từ CNA & Global Headlines)