Lãnh đạo tỉnh tuyên dương, khen thưởng doanh nghiệp tiêu biểu 

“Điểm cộng” cải cách hành chính

Năm 2016, trong khi nhiều doanh nghiệp thủy sản “lao đao” vì sự cố môi trường biển, Công ty cổ phần Phát triển Thủy sản Huế - FIDECO, vẫn xuất hàng đều sang Nhật - thị trường khắt khe nhất thế giới về yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm. “Hoàn thành kế hoạch năm, xuất khẩu 600 tấn (chủ yếu là các sản phẩm shushi từ mực) với kim ngạch xuất khẩu đạt 7 triệu USD; đồng thời, FIDECO cũng ký kết thêm hợp đồng mới xuất khẩu 300 tấn shushi cho năm 2017”, Giám đốc FIDECO Nguyễn Thanh Túc vui mừng nói.

Gần 15 năm “làm ăn” với Nhật Bản và có mặt ở Ý, Tây Ban Nha... và hơn 5 năm nhập khẩu hải sản từ các nước Đông Nam Á (Myanmar, Philippine, Indonesia), FIDECO có mối liên quan “sát sườn” với các đơn vị, như thuế, hải quan, Sở Kế hoạch & Đầu tư trong điều chỉnh tăng vốn, kê khai thuế điện tử... “Nhìn chung, thời gian qua, các sở, ngành đã có nhiều nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính. Nhờ đó, thủ tục đơn giản, gọn nhẹ, rút ngắn thời gian thực hiện. Một “điểm cộng” khác là nếu có thiếu sót ở “khâu” nào, DN cũng được hướng dẫn để điều chỉnh chứ không bị “hành” chạy lui chạy tới như trước đây. Ví như, DN chúng tôi nhập khẩu nước tương từ Nhật Bản. Theo quy định, phải có xác nhận của Bộ Y tế mới cho lấy hàng về. Tuy nhiên, hải quan vẫn sẵn sàng cho DN bổ sung xác nhận sau và có thể mang sản phẩm về trước. Các thủ tục xuất nhập khẩu cũng rất rõ ràng, khá thuận lợi cho DN”, Giám đốc FIDECO Nguyễn Thanh Túc thông tin.

Sản xuất nhang xuất khẩu ở Công ty Thái Hưng

Cũng liên quan lĩnh vực xuất nhập khẩu, Phó Tổng Giám đốc HUEGATEX – Nguyễn Thanh Tý cho rằng: “Hiện nay, quan điểm của lãnh đạo các sở, ngành đối với DN đã có những chuyển biến tích cực. “Tiếng nói” của DN được ghi nhận và lắng nghe. Ngoài những hỗ trợ về mặt chính sách, thay đổi trong thái độ làm việc đối với DN thì sự “sát cánh”, gần gũi của một số đơn vị đã góp phần hỗ trợ DN khá hiệu quả”.

Thay đổi kêu gọi đầu tư

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao, xác định 2016 là “Năm Doanh nghiệp”, lãnh đạo tỉnh đã có nhiều chương trình, kế hoạch và các giải pháp để tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ DN phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD); khuyến khích và thúc đẩy khởi nghiệp; đồng thời, tạo mọi thuận lợi để phát triển DN nhỏ và vừa, thu hút các nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư và kinh doanh tại Thừa Thiên Huế.

Ký kết hợp đồng tín dụng giữa Qũy Đầu tư phát triển và bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với Công ty Lâm nghiệp Tiền Phong

Với việc thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn của tỉnh và nỗ lực vươn lên của các DN, năm 2016, hoạt động SXKD trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực. Nền kinh tế Thừa Thiên Huế có mức tăng trưởng, nhiều chỉ tiêu về phát triển DN, khởi nghiệp, về sắp xếp, đổi mới DN có những kết quả nhất định. Có trên 500 DN thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 1.600 tỷ đồng (nâng tổng số DN lên gần 7.000); 92 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2,65 tỷ USD...

Cải cách thủ tục hành chính góp phần giúp doanh nghiệp phát triển hiệu quả 

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Nguyễn Mậu Chi cho hay, với việc hình thành các cơ chế, chính sách thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính, hướng đến các mục tiêu căn bản, như: nâng cao nhận thức vai trò, vị trí và tầm quan trọng của doanh nhân, DN trong cộng đồng, khơi dậy tinh thần DN; thay đổi một cách cơ bản cách thức kêu gọi đầu tư và tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, minh bạch để DN phát huy tối đa năng lực của mình... đã giúp cộng đồng DN tiếp cận và có niềm tin hơn để tiếp tục duy trì SXKD, phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Liên Minh