Nhưng cái mất nhiều hơn không chỉ là những tôm, những cá, những cua... vốn là niềm tự hào về một trong những đặc sản Huế lại đang mất dần đi, một môi trường sinh thái bị huỷ hoại nghiêm trọng mà còn ở lòng dân không an khi các đối tượng đánh bắt trái phép vẫn ngang nhiên hoạt động. Điều này đã tác động không nhỏ đến hoạt động nuôi trồng của bà con trên đầm phá Tam Giang về sản lượng khai thác tự nhiên và việc mưu sinh hàng ngày, về chất lượng nguồn nước mặt đầm trong nuôi trồng thuỷ hải sản mà còn cả về nguy cơ bị đánh trộm tôm cá được khoanh nuôi...
Bên cạnh những tác động mang tính “ngoại lực”, một trong những nguy cơ khiến hệ sinh thái Tam Giang bị cạn kiệt còn ở việc người dân vẫn tiếp tục sử dụng lừ xếp không đúng quy định trong khai thác hàng ngày. Theo chuẩn, thì mắt lưới của loại lừ xếp này là loại 2a=18mm; nhưng trên thực tế, người dân vẫn phổ biến loại có mắt lưới chỉ 6 – 12 mm.
UBND tỉnh cũng đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh và Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản của tỉnh phối hợp, tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, truy bắt và xử lý nhưng trên thực tế, việc lập lại trật tự trên một vùng đầm phá rộng lớn là không hề dễ, đối tượng lại đến từ nhiều địa phương khác nhau và điều cơ bản hơn là địa phương vừa thiếu phương tiện vừa mỏng về đội ngũ. Thế nên, dù tỉnh đã thành lập 7 khu bảo tồn thuỷ sản với diện tích bảo vệ nghiêm ngặt là 222,7 ha nhưng đây mới chỉ là một con số hãy còn quá khiêm tốn so với tổng diện tích hơn 22.000 ha của hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, cũng như những nỗ lực hãy còn quá khiêm tốn trong điều kiện hiện tại, nhất là khi chưa có được những chế tài cụ thể hơn, kiên quyết hơn...
Dân gian thường bảo: cá nước chim trời. Điều này sẽ lại còn xa xót và tiếc nuối hơn khi chúng ta tiếp tục không có những biện pháp cụ thể và những chế tài kiên quyết để bảo vệ môi trường sinh thái và cuộc sống của ngư dân đầm phá...
Hạnh Nhi