Hoạt động làm quen văn học của Trường Mầm non I
Trong 105 GV tham gia lần này, có 35 GV nhà trẻ và 70 GV mầm non. Bà Ngọc Như, Phó Trưởng phòng GD&ĐT thành phố, cho biết: “Đây là những người hội đủ điều kiện dự thi theo quy định. Rất mừng là năm nay sáng kiến kinh nghiệm đã bám sát thực tế, lựa chọn đề tài phù hợp và cách giải quyết vấn đề có tính thiết thực cao”. Một số sáng kiến kinh nghiệm có biện pháp sáng tạo, có thể nhân rộng để áp dụng vào thực tiễn.
Theo Ban tổ chức, GV dự thi có sự chuẩn bị chu đáo. Nhiều hoạt động có ý tưởng sáng tạo, nội dung phát triển phù hợp khả năng của trẻ, tạo điều kiện để tất cả trẻ cùng tham gia hoạt động. Các trò chơi, bài tập, tình huống tạo được sự hứng thú cho trẻ trong giờ học. Những giáo viên làm tốt đến từ các trường, như Hoa Mai, Mầm non 1, Mầm non 2, Hương Lưu, Sơn Ca, Âu Lạc, Bích Trúc...
Nhiều giáo viên thể hiện có chuyên môn sâu, phát huy năng lực sư phạm trong việc nghiên cứu, nắm bắt chương trình GDMN; thiết kế và vận dụng nhuần nhuyễn các phương pháp giáo dục để tổ chức các hoạt động giảng dạy gần gũi với cuộc sống hiện tại. Tiết dạy của các cô giáo Thu Trúc, Minh Thu (Hoa Mai), Thuỳ Dung, (Mầm non I), Na Vy (Hương Lưu) có nội dung tạo hình, làm quen văn học, toán… diễn ra nhẹ nhàng, hấp dẫn, lôi cuốn trẻ tích cực tham gia vào các hoạt động.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin được khai thác triệt để, giáo viên sử dựng nhiều hình ảnh, video clip, sử dụng phần mềm Flash, Powerpoint hiệu ứng âm thanh thuần thục tạo được hứng thú cho trẻ. Sử dụng đồ dùng có hiệu quả là những giáo viên đến từ trường Hoa Mai (diễn rối có kỹ năng), Thủy Xuân (sử dụng tốt đàn Organ), Sơn Ca (múa bóng), Vỹ Dạ (thí nghiệm pha màu)…
Bà Phương Tâm, Hiệu trưởng Trường Mầm non I, thành viên Ban Giám khảo cho rằng: “Các cô giáo thực sự nắm được tinh thần chương trình, nắm bắt kế hoạch hoạt động hàng ngày theo đúng chủ đề, yêu cầu, nội dung giáo dục trẻ tại các thời điểm để thông qua chơi mà học. Trẻ được tiếp tục củng cố các kiến thức đã có, hoặc làm quen với các kiến thức kỹ năng theo từng lĩnh vực giáo dục và đặc biệt là việc chú ý uốn nắn hoặc phát huy khả năng riêng của từng cá nhân, giúp trẻ có nề nếp, mạnh dạn, tự tin, tích cực, hứng thú tham gia hoạt động”.
Điều đáng ghi nhận là, hội thi đã có tính chất tổng kết phong trào dạy tốt học tốt của bậc học thay vì sự đầu tư điểm như thường thấy. Hội thi cũng cho thấy một số giáo viên trẻ có nhiệt tình, nắm vững kiến thức chuyên môn nhưng kinh nghiệm từ thực tế chưa nhiều nên việc vận dụng, phối hợp các phương pháp dạy học chưa thật sự linh hoạt; hạn chế về khả năng tạo tình huống cũng như xử lý các tình huống sư phạm, lựa chọn đồ dùng dạy học không phù hợp với mục tiêu bài dạy.
Bài, ảnh: Phước Châu