Tình hình sử dụng thuốc lá tại Việt Nam như thế nào?

Kết quả Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam năm 2015 cho thấy: So với năm 2010, tỷ lệ hút thuốc ở cả nam và nữ có xu hướng giảm từ 23,8% xuống 22,5%, tỷ lệ hút thuốc lá điếu chung giảm từ 19,9% xuống 18,2%. Điều tra năm 2015 cũng cho thấy tỷ lệ hút thuốc lá thụ động giảm đáng kể ở tất cả địa điểm. Giảm mạnh nhất là tại trường đại học với mức giảm từ 54,3% xuống 37,9%; trên các phương tiện giao thông công cộng giảm từ 34,4% xuống 19,4%. Đặc biệt, tại các khu vực thành thị: Tỷ lệ hút thuốc chung giảm đáng kể từ 23,3% xuống 20,6%. Bên cạnh đó, nhận thức về tác hại đến sức khỏe của việc hút thuốc và hút thuốc thụ động cũng tăng so với năm 2010. Tỷ lệ người tin rằng hút thuốc gây các bệnh đột quỵ, tim mạch và ung thư phổi tăng từ 55,5% lên 61,2%. Tỷ lệ người tin rằng hút thuốc thụ động gây các bệnh ngu y hiểm tăng từ 87,0% lên 90,3%.

Hình thức sử dụng thuốc lá nào phổ biến tại Việt Nam?

Tại Việt Nam, hai hình thức hút thuốc lá phổ biến nhất đó là: thuốc lá điếu và thuốc lào bên cạnh đó là việc hút thuốc lá được cuộn bằng tay (hình thức này người sử dụng dùng lá thuốc cuốn lại từng cuộn, thái mỏng ra để hút hoặc cuốn lại từng điếu nhỏ để sử dụng). Mỗi năm có đến 12,5 triệu người hút thuốc lá điếu được sản xuất tại các nhà máy, 4,1 triệu người hút thuốc lào và 772.000 người hút thuốc lá tự cuộn bằng tay.

Việc hút thuốc lá ảnh hưởng đến kinh tế như thế nào?

Bệnh tật và tử vong sớm do thuốc lá làm mất đi  hơn 1,5 triệu năm sống khỏe mạnh của người Việt Nam, chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong tại Việt Nam. Chi phí ngân sách hằng năm để điều trị 3 bệnh điển hình trong số 25 loại bệnh có nguyên nhân từ thuốc lá là 2.304 tỷ đồng.  Và mỗi năm người hút thuốc tiêu mất khoảng 4,930,875 đồng.

Những hệ lụy nào do việc hút thuốc lá gây ra?

Thuốc lá là nguy cơ lớn nhất đối với sức khoẻ con người và là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong sớm trên toàn thế giới. Các nghiên cứu cho thấy hơn 90% các ca ung thư phổi, 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính do sử dụng thuốc lá gây ra. Bên cạnh đó việc hút thuốc lá và hút thuốc lá thụ động đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe: phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh, vô sinh ở  nam và nữ, các bệnh về tim mạch. Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu của bệnh ung thư và tử vong do ung thư…

Văn Cương (TTTTGDSK)