Mỗi gia đình chỉ nên có từ 1 đến 2 con để nuôi dạy cho tốt

Đua nhau sinh nhiều con

Trước đây, người nghèo hay đẻ nhiều con thì nay lại có xu hướng nhiều gia đình có thu nhập cao, có của ăn của để lại muốn có thêm con. Có những gia đình sinh đến 4, 5 con chỉ để cố có con trai. Có những gia đình có đủ cả trai lẫn gái vẫn muốn sinh thêm con. Anh Trần Viết D. (Thủy Xuân, TP. Huế) cho biết: “Người ta muốn sinh  không được, mình có điều kiện tội gì không sinh thêm. Vợ chồng tôi vất vả kiếm tiền, phải có người hưởng thụ thành quả lao động của mình chứ”. Đây cũng là quan niệm của nhiều người giàu hiện nay. 

Chị Thanh Hương (Phước Vĩnh, TP. Huế) cho biết: Lấy chồng năm 20 tuổi, nay đang mang bầu đứa thứ 4. Chồng chị động viên, nhà có công ty riêng, khá giả có gì mà phải ngại. Con đã có giúp việc chăm. Con cái là của để dành, càng đông càng vui.

Dù đã có quy định cấm xác định giới tính thai nhi, song nhiều người đã có sự lựa chọn giới tính bằng các biện pháp như siêu âm, lọc trứng, ăn uống… Chính việc lựa chọn giới tính thai nhi để sinh con theo ý muốn dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng. Tâm lý chọn năm, chọn tuổi sinh con vào năm đẹp còn phổ biến. Thế nên, nhiều gia đình đẻ 3 cô con gái vẫn nhất quyết sinh thêm một cậu con trai. Thậm chí, họ còn chuẩn bị tiền bạc để ra nước ngoài nhờ khoa học can thiệp để kiếm được cậu con trai một cách chắc chắn.  

Không hợp tác khi chủ động sinh con

Để thay đổi quan niệm, tư tưởng của người dân không đơn giản. Khi trình độ dân trí càng cao, cộng tác viên dân số đến vận động càng khó, nhất là những gia đình có thu nhập cao, có của ăn của để. Khi cán bộ dân số đến vận động  thực hiện KHHGĐ, không ít cặp vợ chồng tỏ thái độ  khó chịu, bất hợp tác. Chị Phan Thị Thịnh, cán bộ dân số TP. Huế cho biết: “Nhiều nhà kín cổng cao tường, gọi cửa có khi người ta không mở. Tôi nghĩ phải có chính sách quyết liệt từ cấp trên. Hiện nay, mức đóng góp cho quỹ dân số khi sinh con thứ 3 chỉ vài trăm ngàn đồng. Mức đóng này không có nghĩa gì đối với những gia đình sinh nhiều con”.

Sinh con thứ ba trở lên vẫn tiềm ẩn nhiều hậu quả, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế gia đình và sự phát triển của xã hội. Những gia đình khó khăn, sinh đông con sẽ là gánh nặng kinh tế, trẻ thiếu điều kiện phát triển dẫn đến thất học, đói nghèo gia tăng. Những  gia đình khá giả, sinh nhiều con góp phần tăng thêm gánh nặng cho xã hội như: tình trạng quá tải ở các bệnh viện, trường học… Chưa kể, xu hướng phụ nữ lớn tuổi muốn sinh thêm con phải đối mặt với các biến chứng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của họ cũng như của em bé. Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng, việc sinh nở nhiều lần sẽ khiến phụ nữ mau già và xuống sắc nhanh. Ngay các sản phụ cũng thừa nhận những lần sinh sau luôn mệt hơn nhiều so với lần sinh trước. Nguyên nhân làm người mẹ suy nhược là sự vất vả để chăm sóc đàn con và không có thời gian tự chăm sóc mình. 

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện tại, những tồn tại của tư tưởng trọng nam khinh nữ đặt ra nhiều thách thức. Công tác dân số đang đòi hỏi phải được điều chỉnh kịp thời, đáp ứng với những thay đổi nhanh của đời sống xã hội. Đồng thời, phải tập trung nguồn lực để giải quyết các vấn đề liên quan đến bất bình đẳng giới, nâng cao chất lượng dân số, đề cao vai trò và giá trị của người phụ nữ.

Bài, ảnh: Huế Thu