Bác Hồ và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh dự Hội nghị Quân chính toàn quân lần thứ nhất (1960) (Ảnh: Tư liệu)

Năm 20 tuổi, đồng chí  bắt đầu tham gia các hoạt động cách mạng. Tháng 7/1937, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và ngay sau đó được cử làm Bí thư chi bộ ở địa phương. Một năm sau, đồng chí được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Từ năm 1938 đến năm 1943, đồng chí nhiều lần bị Pháp bắt giam ở nhà lao Thừa Phủ, Lao Bảo và Nhà đày Buôn Ma Thuột. Đến khi Nhật đảo chính Pháp tháng 3/1945, đồng chí được trả tự do và bước ngay vào các hoạt động cách mạng ở Trung kỳ để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.

 Tại Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào ngày 13/8/1945, đồng chí được chỉ định  vào Ban Chấp hành Trung ương và được cử làm Bí thư Xứ ủy Trung kỳ. Cũng tại hội nghị này, đồng chí vinh dự được Bác Hồ đặt tên là Nguyễn Chí Thanh.

Từ Tân Trào trở lại Huế trên cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng ở miền Trung, đồng chí đã chỉ đạo đẩy mạnh cao trào cách mạng giành chính quyền và chuẩn bị một loạt công việc sau khi khởi nghĩa. Ngày 23/8/1945, Huế - kinh đô của triều đình nhà Nguyễn - khởi nghĩa thành công, đánh dấu chế độ nửa thực dân nửa phong kiến sụp đổ.

Để chuẩn bị cho toàn quốc kháng chiến, Xứ ủy Trung kỳ được giải thể để lập Liên khu ủy 4 và Liên khu ủy 5. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Trung ương chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên.

Ngày 19/12/1946, toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Huế trở thành mặt trận nóng bỏng khi thực dân Pháp tung quân đánh phá ác liệt nhằm tái chiếm bằng được kinh đô Huế và địa bàn chiến lược quan trọng này. Mặt trận Huế vỡ, địch lần lượt đánh chiếm cả tỉnh. “Mất đất nhưng chưa mất dân, có dân là có tất cả”, đồng chí Nguyễn Chí thanh đã lãnh đạo Đảng bộ vượt qua mọi thử thách để lãnh đạo cuộc kháng chiến.

Từ tháng 7/1947, đồng chí vừa là Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, vừa được Trung ương phân công làm Bí thư Phân khu ủy Bình-Trị-Thiên, trở thành “linh hồn kháng chiến ở Bình-Trị-Thiên khói lửa”.

 Từ năm 1948 đến 1950, đồng chí làm Bí thư Liên khu ủy Liên khu 4. Cuối năm 1950 làm Phó Bí thư Tổng Quân ủy kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (1951), đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị. Năm 1959, đồng chí được Đảng và Nhà nước phong quân hàm Đại tướng. Đến lúc này, Quân đội Nhân dân Việt Nam có hai đại tướng, đều được phong vượt cấp. Đây là hai vị tướng kiệt xuất và tiêu biểu bậc nhất của quân đội ta.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng năm 1960, đồng chí Nguyễn Chí Thanh tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được Ban Chấp hành bầu vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Từ năm 1965 đến năm 1967, đồng chí được phân công vào Nam, giữ chức Bí thư Trung ương Cục miền Nam, sau đó trực tiếp làm Bí thư Quân ủy Miền - Chính ủy Quân Giải phóng miền Nam và là đại diện của Bộ Chính trị tại chiến trường. Tại chiến trường, đồng chí là người đề ra chiến thuật đánh áp sát của Quân Giải phóng miền Nam với phương châm “Nắm lấy thắt lưng địch mà đánh”. Lối đánh này cơ động áp sát địch nhằm hạn chế ưu thế hỏa lực của quân Mỹ, là sáng tạo tuyệt vời từ thực tiễn chiến đấu được đồng chí tổng kết thành chiến lược và các biện pháp chiến thuật cho cả chiến trường .

Đồng chí mất ngày  6/7/1967 do một cơn nhồi máu cơ tim khi ra Hà Nội để báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình hình miền Nam.

Với hơn 30 năm hoạt động cách mạng liên tục và sôi nổi, đồng chí đã có những cống hiến xuất sắc vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Ở vị trí nào, đồng chí cũng thể hiện bản lĩnh vững vàng, ý chí và quyết tâm sắt đá, sự sắc sảo quyết liệt trong lãnh đạo, tiên phong, mẫu mực trong tổ chức thực hiện. Đảm nhận trọng trách Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên trong những năm tháng đầy gian nan, thử thách của sự nghiệp cách mạng, đồng chí đã thể hiện sự xuất sắc của một nhà lãnh đạo về công tác chính trị, tư tưởng – lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng.

Kỷ niệm 103 năm ngày sinh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đúng vào dịp “Mừng Đảng, mừng Xuân”, Đảng bộ và Nhân dân Thừa Thiên Huế trân trọng biết ơn và tưởng nhớ hình ảnh đồng chí Bí thư Tỉnh ủy năm xưa, một người cộng sản kiên trung mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng hết lòng vì dân, vì nước và sự nghiệp cách mạng của quê hương, đất nước.

PHAN CÔNG TUYÊN