Bủa lưới ngày mưa lạnh
Gặp anh em Võ Quyên và Võ Hậu ở xã Phong Hải (Phong Điền) khi vừa bủa trộ lưới đầu tiên lúc trời mưa và khá lạnh. Hai ngư dân ngồi co ro trên bãi biển, chẳng giống đang bủa lưới chút nào. “Các anh ngồi ở đây làm gì mà ướt sủng vậy?”- tôi hỏi. Anh Quyên cười xòa: “Cứ đợi khoảng 30 phút nữa sẽ có câu trả lời”.
Chừng nửa giờ sau, một đoạn lưới dài chừng 200 mét được kéo vào bờ, mang theo những chú cá buôi (dạng cá đối cỡ lớn) cân nặng đến 3-5 kg. Anh Quyên cười, bảo: “Rứa là câu trả lời rồi hí”. Đưa cá lên bờ, anh Quyên tranh thủ bơi ra thả lưới trộ thứ hai. Anh Hậu đứng cách bờ biển vài chục mét, còn anh Quyên phải ôm phao, bơi ra biển để thả lưới. Tôi hỏi: “Mưa lạnh thế này mà các anh vẫn bơi ra biển à? “Bình thường thôi”, anh Hậu bình thản trả lời khi đứng trên bờ đợi anh Quyên bủa lưới.
Anh Hậu tâm sự: “Làm mãi thành quen chứ lần đầu bủa lưới mùa mưa lạnh cũng ngán lắm. Nhưng không thể cứ “ngồi chơi xơi nước” cả mấy tháng liền, trong khi “cơm áo gạo tiền”, nuôi con ăn học lấy mô ra”. Anh Quyên tiếp lời: “Hơn nữa, nghề này không đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Mỗi đoạn “lưới buôi” (đánh bắt cá buôi) chỉ dài vài trăm mét, trị giá chưa đầy một triệu đồng, đánh bắt lại hiệu quả. Một ngày ít nhất cũng một vài con cá buôi, mỗi con từ 3-5kg, gặp may có con đến cả chục kg. Vào mùamưa lạnh thường hiếm cá nên giá rất cao, mỗi kg cá buôi đến 300 ngàn đồng”.
Anh Quyên chia sẻ: “Làm nghề bủa lưới mùa mưa lạnh đòi hỏi phải có kinh nghiệm, đặc biệt không thể chủ quan. Những ngày biển động mạnh sẽ không có cá, hoặc nguy hiểm nên không thể “hành nghề”. Chỉ những ngày biển khá yên lặng chúng tôi mới bủa lưới. Một người bơi biển để thả lưới, dù gần bờ, mực nước biển chỉ tầm ngang ngực, song trước khi bơi phải ôm theo phao, hoặc mặc áo phao, trên thân người buộc chặt một sợi dây dài. Người đứng trên bờ cầm sợi dây, đề phòng người bủa lưới gặp sự cố thì hỗ trợ, nhanh tay kéo vào”.
Đơn giản hơn nghề “lưới buôi” là nghề “chạy vét”, đánh bắt cá đối chỉ cách bờ vài chục mét. Anh Hoàng Hữu Đạo ở xóm Cổ Đông (thôn Thế Mỹ, xã Phong Hải) xởi lởi: “Có ngày đánh bắt được vài chục kg là chuyện thường, ít lắm cũng 5-7 kg. Mỗi kg cá đối mùa biển động có giá 150- 200 ngàn đồng, nhưng vẫn không đủ số lượng để bán”. Nghề này rất đơn giản, chỉ cần một đoạn lưới dài chừng 50-100m, khi con sóng vỗ vào bờ, mang theo những con cá đối, cá lẹp... thì hai người đứng trên bờ nắm chặt hai đầu tay lưới, giăng ngang rồi chạy nhanh ra biển kéo cá vào”.
Nghe có vẻ đơn giản, song nghề “chạy vét” cũng cần phải có kinh nghiệm. Theo anh Đạo, nếu biển chỉ toàn bọt trắng thì cá đối, cũng như các loại cá khác rất ít, thậm chí không có. Bọt biển có màu nâu, sẩm, màu vàng thì cá đối mới nhiều. Nghề kéo cá đối không chỉ diễn ra trong mùa mưa rét, mà cả khi thời tiết bình thường. Tại xã Phong Hải và các vùng biển thuộc huyện Phong Điền có đến hàng trăm hộ làm nghề “chạy vét”.
Một nghề nữa mà ngư dân thường tranh thủ để kiếm thu nhập vào mùa mưa lạnh, đó là câu cá ong và một số loại cá gần bờ. Ngư dân chỉ cần đứng trên bờ, dùng cần câu, rồi “vạt” (ném) lưỡi câu ra xa khoảng trăm mét. Mỗi lần “vạt” như thế có đến vài chục lưỡi câu được buộc chặt trên một sợi dây dài, mỗi lưỡi câu cách nhau khoảng 2-3 gang tay. Nghề câu cá gần bờ đơn giản hơn nhiều nghề biển khác, nhưng cũng không kém phần hiệu quả. Nhiều người câu một buổi cũng kiếm được 3-5 kg, bán được 500 ngàn đến cả triệu đồng. Tuy nhiên, câu cá mùa vào mùa mưa rét không thường xuyên, chỉ những ngày biển động nhẹ, hoặc yên lặng”, ông Trần Hiền ở thôn 11, xã Điền Hòa chia sẻ.
Chủ tịch UBND xã Điền Hòa Nguyễn Đăng Phúc tự hào: “Ngư dân ở đâu nói chuyện “ngồi chơi xơi nước” thì tôi không biết, chứ ngư dân vùng biển Điền Hòa cũng như ở Ngũ Điền nói chung không thiếu việc dù mùa mưa rét, biển động. Các nghề “chạy vét”, “lưới buôi”, câu cá gần bờ thật sự mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần ổn định cuộc sống cho nhiều ngư dân vùng biển. Đây là các nghề mà chính quyền địa phương khuyến khích, vận động ngư dân hưởng ứng, mở rộng quy mô để có nguồn thu nhập mỗi khi thuyền nằm bờ.
Bài, ảnh: Hoàng Triều