1. Tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021
Cùng với cả nước, ngày 22/5/2016, 877.939 cử tri ở Thừa Thiên Huế đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, đạt tỷ lệ 99,99%. Kết quả, đã bầu 7 đại biểu Quốc hội và 53 đại biểu HĐND tỉnh; 307 đại biểu HĐND cấp huyện và 3.862 đại biểu HĐND cấp xã. Cuộc bầu cử được đánh giá nghiêm túc, dân chủ, đúng luật, an toàn và tiết kiệm. Theo Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Thừa Thiên Huế là một trong hai tỉnh (cùng với Yên Bái) dẫn đầu cả nước về tỷ lệ cử tri đi bầu cử.
Cử tri bỏ phiếu tại Phú Lộc
2. Bứt tốp về chỉ số cải cách hành chính
Từ vị trí thứ 19, Thừa Thiên Huế vươn lên xếp vị trí thứ 4 trong số 63 tỉnh, thành trong cả nước về chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX). Cụ thể, năm 2015 chỉ số PAR INDEX của Thừa Thiên Huế đạt 91,14 điểm, tăng 6,83 điểm và tăng 15 bậc so với năm 2014. Con số này được Bộ Nội vụ công bố tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015 và triển khai kế hoạch giai đoạn 2016-2020 toàn quốc diễn ra vào ngày 17/8/2016.
Bứt phá này giúp Thừa Thiên Huế tự tin và tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt hơn công tác cải cách hành chính thời gian tới.
3. Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được công nhân Di sản Tư liệu Thế giới
Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được Ủy ban chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương chính thức công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới vào lúc 17 giờ 15 ngày 19/5/2016 tại Hội nghị lần thứ 7 của MOWCAP diễn ra từ ngày 18 đến ngày 21/5/2016 ở thành phố Huế.
Ông Lý Minh Hoa (bên phải), Chủ tịch MOWCAP trao bằng công nhận cho ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Ảnh: tư liệu
Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế với gần 3.000 họa tiết trang trí thơ văn, là di sản quý giá, không thấy xuất hiện ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, thể hiện tư tưởng của các vị vua triều Nguyễn (1802 - 1945) về lịch sử, độc lập dân tộc, văn hóa, quan niệm trị quốc, dân sinh và là một loại hình nghệ thuật trang trí đặc biệt. đến nay, Việt Nam có tất cả 6 Di sản Tư liệu Thế giới. Một nửa trong số đó thuộc về Huế, gồm: Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.
4. Festival Huế 2016 có sự phát triển vượt bậc về các hoạt động xã hội hóa
Với chủ đề “710 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế; Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, Festival Huế lần thứ 9 diễn ra từ ngày 29/4 đến ngày 4/5/2016. Festival Huế 2016 đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong công tác kêu gọi tài trợ và các hoạt động xã hội hóa.
Sắc màu quốc tế trong Festival Huế 20116. Ảnh: Tư liệu
Qua 6 ngày đêm sôi động, với 53 chương trình nghệ thuật, lễ hội gồm 74 suất diễn và 49 hoạt động hưởng ứng, Festival Huế 2016 thu hút gần 1 triệu lượt người tham dự; 195.000 lượt du khách, trong đó 78.250 khách quốc tế và 116.750 khách nội địa. Festival Huế 2016 có sự tham gia biểu diễn của gần 1.200 nghệ sĩ, diễn viên; trong đó, 271 nghệ sĩ quốc tế, gần 900 nghệ sĩ, diễn viên trong nước và hàng nghìn nghệ sĩ, diễn viên quần chúng đến từ 18 quốc gia, vùng lãnh thổ.
5. Đề nghị công nhận Hải Vân quan là di tích cấp quốc gia
Ngày 4/11/2016, Sở Văn hóa & Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng thống nhất báo cáo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và UBND thành phố Đà Nẵng cùng phối hợp lập hồ sơ để đề nghị công nhận Hải Vân Quan là di tích cấp quốc gia.
Di tích Hải Vân Quan trên đèo Hải Vân. Ảnh: Tư liệu
Cửa ải này được xây năm 1826 dưới thời vua Minh Mạng. Cửa trông về phía Huế có ghi ba chữ “Hải Vân Quan”, cửa trông về vùng Đà Nẵng - Quảng Nam ghi “Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan”. Sự kiện này được xem là “cái bắt tay” rất chặt lần đầu tiên giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với thành phố Đà Nẵng trong việc cứu vãn một di sản văn hóa lịch sử để hướng tới mục tiêu khai thác tiềm năng to lớn về mặt văn hóa - du lịch ở 2 địa phương và cả trong khu vực.
6. Hạ thủy tàu vỏ thép đầu tiên
Ngày 22/11, chiếc tàu cá vỏ thép đầu tiên của tỉnh mang số hiệu TTH-99999.TS được đóng mới theo Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ được hạ thủy. Chủ tàu là ngư dân Trần Văn Chiến ở xã Phú Thuận (Phú Vang). Tổng kinh phí đầu tư 18,4 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng TMCP Đầu tư&Phát triển (BIDV) Thừa Thiên Huế cho vay 17,52 tỷ đồng (95%); chủ tàu tự bỏ kinh phí 5%. Tàu dài 28,09m, rộng 6,79m, chiều cao mạn sườn 3,15m, được thiết kế theo yêu cầu đối với tàu biển cấp 1- Tiêu chuẩn Việt Nam, hoạt động an toàn ở vùng biển xa bờ đến 200 hải lý, công suất 822HP... Sau 3 năm, toàn tỉnh có 30 chiếc tàu công suất lớn được đóng mới theo Nghị định 67/NĐ-CP, trong đó có 2 tàu cá vỏ thép đã và đang được đóng mới; góp phần nâng cao hiệu quả đánh bắt và bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Tàu vỏ thép đầu tiên của ngư dân Thừa Thiên Huế hạ thủy.
7. Hơn 3.000 tỷ đồng cải tạo môi trường nước thành phố Huế
Dự án cải tạo môi trường nước đang triển khai đồng loạt các gói thầu với mục tiêu sẽ xử lý gần như toàn bộ nước thải khu vực trung tâm phía Nam TP.Huế. Tổng mức đầu tư khoảng 24 tỷ yen Nhật (tương đương 3.000 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục: xây dựng cống thoát nước hỗn hợp dài hơn 212 km, nạo vét một phần các sông An Cựu, Phát Lát, Như Ý với khoảng 363.500m3 đất sông; xây dựng nhà máy xử lý nước thải 20.000m3/ngày, xây dựng và cải tạo hệ thống thoát nước mưa, nước thải, trạm bơm, cửa xả... Dự án góp phần làm thay đổi đáng kể việc xử lý nước thải trước khi xả ra sông, giúp tiêu chí về nước sạch ở Huế đảm bảo, kể cả cấp và thoát nước.
8. Huế lọt vào top 17 “Thành phố xanh quốc gia”
Vượt qua hơn 120 đối thủ khác để vào vòng chung kết cùng 45 ứng cử viên của 20 quốc gia trên thế giới, TP. Huế lọt vào top 17 “Thành phố xanh quốc gia” đã khẳng định được vị thế, chiến lược của Huế trong phát triển xanh, bền vững. Theo đó, lãnh đạo TP. Huế cam kết sẽ thực hiện đạt 7 tiêu chí về thành phố xanh, phấn đấu đến năm 2020 sẽ giảm 20% lượng phát thải khí nhà kính.
Báo Thừa Thiên Huế (bình chọn)